Hà Quảng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã được huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng từng bước cụ thể hóa và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bà con dân tộc thiểu số huyện Hà Quảng tham gia làm đường nông thôn

Hà Quảng là huyện biên giới với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu, những năm qua, huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả nguồn vốn các chương trình hỗ trợ của Trung ương, tỉnh với dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua các chương trình, dự án, huyện được hỗ trợ trên 1.012 tỷ đồng xây mới, sửa chữa, nâng cấp 619 công trình hạ tầng nông thôn. Trong đó, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trung bình bố trí trên 7,8 tỷ đồng/xã; vốn Chương trình 135 giai đoạn II bố trí 1 tỷ đồng/xã; trung bình mỗi xóm được bố trí 200 triệu đồng dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, bảo đảm công khai, công bằng, mang lại hiệu quả xã hội cao.

Đối với nguồn vốn Nghị quyết 30a, huyện được cấp hơn 452,5 tỷ đồng, trong đó trên 70,4 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất; trên 18,8 tỷ đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng 12 hạng mục công trình; hơn 9.200 hộ dân được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 296,6 tỷ đồng phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương cùng với các chính sách hỗ trợ cán bộ tại các xã; hỗ trợ giáo dục và đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí… Bên cạnh đó, hơn 77.800 lượt hộ nghèo vùng khó khăn được hỗ trợ trực tiếp hơn 7,4 tỷ đồng phát triển kinh tế theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua nguồn vốn các chương trình, dự án hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện đã tổ chức, phối hợp tổ chức 390 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho trên 12.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS có thêm vốn, tư liệu sản xuất cũng như được trang bị kiến thức để phát triển kinh tế. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của bà con đã được hình thành, phát triển như: mô hình nuôi lợn, bò và các mô hình phát triển vùng trồng gừng, lạc, thuốc lá đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Nhận thức được vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm, tặng quà, gặp mặt, tham quan, học tập kinh nghiệm cho những người có uy tín; lựa chọn các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham dự các hội nghị, lễ tuyên dương. Qua đó động viên người có uy tín trong cộng đồng phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Bà Hoàng Thị Ruyền, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Xuân Vinh, thị trấn Xuân Hòa cho biết: Tổ có 176 hộ dân, trong đó, 97,7% hộ là dân tộc Tày, Nùng. Với vai trò tập hợp, đoàn kết nhân dân, những năm qua, Ban Công tác Mặt trận tổ luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành quy ước, hương ước xóm và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ chính sách dân tộc vào sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước giảm nghèo. Hằng năm, tổ có 97,7% hộ dân đạt gia đình văn hóa.

Việc thực hiện các dự án giảm nghèo, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS… đã tác động tích cực, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân và là động lực để nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc, nhất là các xóm, xã đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 19,4 triệu đồng/người/năm; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% phòng học được kiên cố, bán kiên cố; 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 89,8% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

 Nhiều hộ dân phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình kết hợp chăn nuôi với trồng cây ăn quả

Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư hoàn thiện. Những nét văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tăng dần qua các năm. Đến nay, toàn huyện có 84% hộ gia đình văn hóa; trên 77% làng văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. 100% xóm có đội văn nghệ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc từng dân tộc, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo động lực cho nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Riêu Văn Toàn cho biết: Đến nay KT - XH đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, từ đó chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Việc triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà KT - XH ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT - XH của huyện. Đồng thời, tiếp thêm ý chí, quyết tâm để đồng bào DTTS tự nguyện vươn lên thoát nghèo.

Thanh Huyền