Hà Giang phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong chiến lược phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh Hà Giang xác định là một trong những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng. Từ đó, triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS; góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Chuyển đổi cơ cấu giống ngô giúp đồng bào Dao xã Thanh Đức (Vị Xuyên, Hà Giang) nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tỉnh Hà Giang có 11 huyện, thành phố, 193 xã, phường, thị trấn, 2.071 thôn, tổ dân phố; trong đó, có 7 huyện với 34 xã, thị trấn, 145 thôn, bản giáp biên giới Trung Quốc, 123 xã thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) của Chính phủ. Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 31,5% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là dân tộc Tày (26%), Dao (15,4%), Kinh (12%)… Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc, KT-XH vùng đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 30,1 triệu đồng (tăng 6,8% so với năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,44% (năm 2019) xuống 22,29% (năm 2020); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 15,33%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều; cộng với kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt… đã khiến KT-XH vùng đồng bào DTTS của tỉnh chậm phát triển. Nhằm khắc phục hạn chế, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, phát huy nội lực của đồng bào, đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS; trong quý I năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh rà soát, xét duyệt thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã khu vực III, II, I thuộc vùng DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 33, ngày 12.11.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, xác định 133 xã, thị trấn đủ điều kiện xét khu vực III (xã ĐBKK); 7 xã, thị trấn khu vực II (xã còn khó khăn); 53 xã, phường, thị trấn đủ điều kiện xét khu vực I (xã bước đầu phát triển); 1.352/2.071 thôn đủ điều kiện xét thôn ĐBKK. Việc xác định khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH một cách trọng tâm, trọng điểm…

Cùng với kết quả trên, tỉnh Hà Giang đã rà soát, xác định đúng thực trạng, điều kiện KT-XH của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, sinh sống tại xã khu vực III và các thôn ĐBKK theo Quyết định số 39, ngày 31.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, đề xuất Ủy ban Dân tộc tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kết quả xác định 3 dân tộc, thuộc địa bàn 10 huyện của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, gồm: Mông, La Chí và Phù Lá. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt các dân tộc có khó khăn đặc thù (ngoài địa bàn xã khu vực III và thôn ĐBKK) cho tổng số 719 hộ sinh sống tại 65 thôn/36 xã thuộc các huyện: Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình và thành phố Hà Giang. Bởi hiện nay, các dân tộc này đã và đang thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 2086, ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người, giai đoạn 2016 – 2025…

Không dừng ở kết quả trên, ngày 5.4.2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh (theo Nghị quyết số 120, ngày 19.6.2020 của Quốc hội). Từ đây, 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần đã, đang được xây dựng, tạo thế và lực thúc đẩy phát triển toàn diện KT-XH vùng đồng bào DTTS, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS…

Thông qua thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh Hà Giang đã, đang huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác giảm nghèo; từng bước nâng cao mức sống, chất lượng sống cho hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, địa phương, nhóm dân cư; tiến tới mục tiêu xã hội hóa công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh.

 THU PHƯƠNG