Hà Giang: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với mục tiêu phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bền vững, đồng bộ gắn với đào tạo nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thu hẹp khoảng cách vùng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, sau 2 năm thực hiện Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đang mang lại diện mạo mới cho vùng cực Bắc Tổ quốc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Cán bộ Thú y huyện Vị Xuyên bấm thẻ tai, theo dõi bò trao cho người dân phát triển chăn nuôi.

Hà Giang có trên 87% dân số là đồng bào DTTS, sinh sống ở nhiều thôn đặc biệt khó khăn, đặc thù. Do vậy, phạm vi và đối tượng thụ hưởng Chương trình lớn. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang được phân bổ trên 8.700 tỷ đồng thực hiện 10 dự án thuộc Chương trình, trong đó vốn ngân sách T.Ư gần 7.800 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương và các nguồn vốn khác. Là một trong 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia quan trọng, Chương trình nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và người dân. Đặc biệt, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25 về lãnh đạo triển khai Chương trình với mục tiêu đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng; có 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn biên giới có điện, đường giao thông đạt chuẩn Nông thôn mới; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo đạt 60%.

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trên, tỉnh ban hành các nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách T.Ư và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; các ngành chức năng phối hợp xây dựng hướng dẫn chi tiết quy trình triển khai các dự án, tiểu dự án; thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, triển khai các bước đầu tư theo quy định.

Đối với dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, UBND các huyện đang thực hiện các thủ tục đầu tư 325 công trình gồm: Xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp học đạt chuẩn; xây mới, cải tạo, sửa chữa trạm y tế xã, chợ. Đến nay đã giải ngân trên 573.000 triệu đồng, đạt 65,92% kế hoạch. Dự án Phát triển Giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã giải ngân đạt 39,8%. Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch đã giải ngân đạt 34,07%. Dự án Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, nhân rộng mô hình, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; đến nay đã giải ngân đạt 30,34%.

Qua triển khai các dự án, tiểu dự án, hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tháo gỡ, trong đó: Đối tượng thụ hưởng nhiều, nội dung, phạm vi Chương trình rộng, trình tự thủ tục phức tạp; nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng bộ của T.Ư; một số quy định về định mức ngân sách T.Ư hỗ trợ khó thực hiện trên địa bàn tỉnh do địa hình phức tạp, chi phí cao hơn định mức; thủ tục, chứng từ thanh toán, quyết toán đối với dự án đầu tư theo cơ chế đặc thù khó quyết toán do các hướng dẫn, nghị định chồng chéo, không thống nhất; năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia Chương trình hạn chế. Vì vậy, một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí một số tiểu dự án chưa thể giải ngân. Đơn cử như: Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mới giải ngân đạt 14,99% kế hoạch; Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết mới giải ngân đạt 1,49%; Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị giải ngân đạt 9,79%; Tiểu dự án 1 thuộc dự án 9: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, hiện nay, đang xin chủ trương xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt danh sách các thôn có dân tộc khó khăn đặc thù, do đó chưa có cơ sở phân bổ triển khai thực hiện.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang Triệu Trung Hiệp chia sẻ: Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh, tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp giải quyết; tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, triển khai Chương trình; xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; tăng cường đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín; tham gia thẩm định các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị các điều kiện đấu thầu các nội dung do Ban Dân tộc làm chủ đầu tư; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng thuộc các dự án, tiểu dự án, cán bộ triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp.

T.L