Hà Giang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững

(Mặt trận) -Thời gian qua, các chính sách và dự án giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo ở Hà Giang đã tạo điều kiện cho người nghèo quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

 Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang vừa phát triển kinh tế và vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Hà Giang được biết đến là tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc với địa hình phức tạp, giao thông chia cắt, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế. Những năm qua, các nguồn kinh phí trợ cấp từ ngân sách Trung ương cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Giang đã phần nào hỗ trợ được bà con dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống. 

Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 22,53%, giảm 21,12% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 4,2%). Trong đó, 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% xuống còn 34,0%, giảm 30,03% so với đầu năm 2016 (bình quân mỗi năm giảm 6,0%); riêng huyện Bắc Mê (huyện mới bổ sung vào huyện nghèo 30a từ năm 2018) giảm từ 38,73% xuống còn 25,89%.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Hà Giang được đầu tư 151,771 tỷ đồng để thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (tiền giống, phân bón, chuyển đổi cây trồng), gồm: giống ngô, đậu tương, lạc, hồng không hạt, cây lê, cây dược liệu, phân bón, giống lợn, dê, bò, bồ câu... có năng suất và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, mua giống trồng cỏ để chăn nuôi gia súc; tập huấn khuyến nông… cho gần 112.000 lượt hộ nghèo hưởng lợi; tổ chức dạy nghề cho 8.157 lao động nông thôn và hỗ trợ giống cây tam giác mạch để thu hút khách du lịch đến với các địa phương. Ngoài ra, tỉnh còn được hỗ trợ đầu tư 18,832 tỷ đồng, giao cho 7 huyện nghèo xây dựng 65 mô hình giảm nghèo nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà đen theo hình thức luân chuyển và có thu hồi cho 1.546 hộ nghèo hưởng lợi.

Theo báo cáo từ Sở lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục duy trì các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (thu hồi 24 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 6 mô hình giảm nghèo nhân rộng)UBND tỉnh tạm cấp kinh phí mua 580.200 liều vacxin tiêm phòng vụ I năm 2021 trên gia súc cho 7 huyện nghèo và vacxin lở mồm long móng cho huyện Vị Xuyên với kinh phí 5,683 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 07/01/2021 của UBND tỉnh. Theo đó, tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ đến thời điểm hiện nay là 571 hộ (gồm 244 hộ nghèo và 327 hộ cận nghèo).Số hộ được giải ngân vốn vay là 231 hộ, số tiền đã giải ngân lũy kế đến thời điểm cuối tháng 6/2021 là 6,675 tỷ đồng. Tổng diện tích vườn tạp đã được cải tạo là 543.962m2, chủ yếu trồng các loại cây: bưởi, táo, xoài, ổi, đào, thanh long, lê, mận, rau, đậu...; xây dựng chuồng, trại chăn nuôi lợn, dê, trâu, bò và các loại gia cầm gà, ngan, vịt... Qua đánh giá bước đầu cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, có nhiều tiềm năng tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo gồm cả những hộ là người dân tộc thiểu số.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ chính sách, hộ nghèo người dân tộc thiểu số với 14.066 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 604,9 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.469,1 tỷ đồng, với 95.564 khách hàng còn dư nợ.

Tiếp đó, Hà Giang cũng đã tập trung tuyên truyền, quảng bá, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Giang. Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về huyện miền núi năm 2021; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Trung tâm giới thiệu nông sản của tỉnh và điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Hà Giang tại Hà Nội…

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cam sành tại thành phố Hà Giang và các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hỗ trợ chương trình khuyến công cho 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn về các lĩnh vực chế biến: sản phẩm chè, tinh bột nghệ, nước cam cô đặc, miến dong, tinh dầu cam và dược liệu... để hỗ trợ phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp địa phương, phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần tạo sinh kế và việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo trong tỉnh.

Đặc biệt, để hỗ trợ người nghèo vươn lên, tỉnh Hà Giang còn triển khai giải pháp xây dựng tổng thể sản phẩm và điểm đến du lịch gắn với khai thác tối ưu các giá trị của Hà Giang trong phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống độc đáo (tiêu biểu) của dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang.

Đến nay, tỉnh Hà Giang cũng đã và đang tập trung nghiên cứu các giải pháp về xóa đói giảm nghèo, các mô hình sản xuất hàng hóa, cây trồng trong nông nghiệp, mô hình phát triển du lịch bền vững trên công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn trực tiếp với đồng bào dân tộc.

Chí Tâm