Giáo dân huyện Nông Cống sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Thực hiện lời huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, đồng bào công giáo huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, chung sức xây dựng quê hương.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Tuyến mương tưới tiêu thuộc địa bàn thôn Tân Sơn (Vạn Thắng) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Năm 2020, sau khi về đích NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Vạn Thắng tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân phát huy nội lực chung tay XDNTM kiểu mẫu. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Đồng chia sẻ: Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân, đồng bào công giáo trên địa bàn xã luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Thành quả trong XDNTM, NTM nâng cao của Vạn Thắng có sự đóng góp công sức của đồng bào công giáo. Hiện nay, xã đang tập trung XDNTM kiểu mẫu. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có đồng bào công giáo, Vạn Thắng sẽ hoàn thành các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023.

Về thôn Tân Sơn - nơi có phần lớn đồng bào công giáo trong xã Vạn Thắng sinh sống, chúng tôi cảm nhận được sự khởi sắc của một vùng quê thuần nông. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trần Văn Năm cho biết: Nghị quyết của chi bộ đặt mục tiêu đến năm 2024 Tân Sơn trở thành thôn NTM kiểu mẫu. Nhân lên kết quả đã đạt được trong XDNTM, chi bộ chỉ đạo ban công tác mặt trận thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo góp công, góp của để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, nhằm sớm hoàn thành bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu.

Sau nhiều cuộc họp bàn bạc, từ tập thể chi bộ đến Nhân dân trong thôn đều thống nhất, quyết định lựa chọn phần việc đầu tư nâng cấp mở rộng, bê tông hóa lại toàn bộ 5 km đường giao thông nội thôn theo tiêu chí NTM kiểu mẫu. Qua khái toán mỗi khẩu trong thôn cần đóng góp 4,2 triệu đồng để xây dựng công trình. Nhằm giảm gánh nặng cho người dân, khoản đóng góp làm đường được phân chia theo mùa vụ và trải đều đến năm 2024. Trong năm 2023, 93% hộ dân thôn đã bỏ phiếu đồng ý mức đóng góp 500.000 đồng/khẩu để triển khai đổ đất mở rộng nền từ 2,5m lên 6m. Cùng với khoản đóng góp theo đầu khẩu, thôn có 78 hộ dân tự nguyện hiến 3.650m2 đất nông nghiệp, gần 350m2 đất ở cho tuyến đường thêm rộng mở; trong đó có 3 hộ dân là đồng bào công giáo hiến gần 200m2 đất ở. Bằng việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với dân vận khéo, thôn Tân Sơn đã khơi dậy được lòng dân, sức dân cho cuộc “cách mạng” xây dựng quê hương.

Huyện Nông Cống có 8.302 giáo dân, sinh sống chủ yếu trên địa bàn 12/29 xã, thị trấn, sinh hoạt ở 6 giáo xứ và 1 giáo hạt. Trong những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy đã chủ động định hướng hệ thống dân vận, MTTQ cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đồng bào công giáo trên địa bàn. Trong đó, nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” được triển khai sâu rộng ở các khu dân cư. Phong trào đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào công giáo với những việc làm thiết thực như hiến đất làm đường giao thông, trồng hoa thay thế cỏ dại ven đường, xứ đạo bình yên, gia đình công giáo gương mẫu, giáo dân thu gom và phân loại rác thải.

Đáng nói hơn, hệ thống dân vận, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất mới để nâng cao thu nhập và đời sống. Từ trong lao động, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các giáo dân Vũ Kim Hoạt, Nguyễn Văn Tiến ở xã Tượng Sơn với thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/năm; Trịnh Ngọc Thịnh, Lường Ngọc Sâm, Lường Khắc Đồng, Trịnh Ngọc Huy ở xã Trường Minh với thu nhập từ 250 - 500 triệu đồng/năm.

Còn là giáo dân Nguyễn Văn Đại ở xã Trường Giang với mô hình HTX sản xuất chiếu cói có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương; giáo dân Lường Ngọc Đào, ở xã Trường Minh với việc phát triển, nâng tầm nghề mây tre đan mỗi năm có doanh thu hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương...

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng bào công giáo trong huyện Nông Cống còn luôn chung sức, chung lòng cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương. Từ năm 2015 đến nay, đồng bào đã chung sức đóng góp hơn 62 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; tự nguyện hiến 58,6 ha đất các loại, hơn 25.000 ngày công, để sửa chữa, làm mới 168 km đường giao thông nông thôn.

Những kết quả trong thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào công giáo huyện Nông Cống không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong mỗi gia đình giáo dân, mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn các vùng quê. Đây cũng là nền tảng tạo ra mối quan hệ gắn bó, đùm bọc lẫn nhau giữa bà con lương - giáo ở các khu dân cư, từ đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương Nông Cống ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trần Thanh