Giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về đặt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. Trong quá trình đó, Thừa Thiên Huế cần phải giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đến năm 2025 xuống còn 2,0%-2,2%, trong đó, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

 Mô hình dệt zèng góp phần giảm nghèo cho phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới.

Ðể đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, các chính sách, giải pháp đang được tỉnh triển khai với phương châm giảm nghèo theo địa chỉ, xây dựng phương án thoát nghèo cho từng hộ nghèo, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo việc làm, nâng cao thu nhập...

Đầu tư thiết thực

Anh Hồ Văn Lương, ở thôn Loah-Ta Vai, xã Ðông Sơn (huyện miền núi A Lưới) là một trong những hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ biết cách làm ăn. Anh Lương cho biết: “Sau khi được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng và được cấp cây, con giống từ chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, gia đình tôi huy động thêm để đầu tư mô hình kinh tế kết hợp trồng rừng, nuôi bò đàn và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa.

Quy trình sản xuất, hạch toán kinh doanh đều được cán bộ khuyến nông và hội nông dân hướng dẫn nên các mô hình đều hiệu quả. Ðến nay, gia đình tôi thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán đạt hơn 200 triệu đồng/năm”.

Ðông Sơn là xã trong vùng biên giới của huyện A Lưới có 100% đồng bào dân tộc thiểu số. Qua triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc, đến nay, số hộ làm ăn khấm khá đã tăng lên đáng kể. Nhiều gia đình trồng vài héc-ta rừng, chăn nuôi gia súc hàng chục con, mở rộng kinh doanh và làm thêm nghề thủ công truyền thống, tạo thay đổi cho bộ mặt nông thôn miền núi ở địa phương.

Trưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới, ông Hồ Viết Ái cho biết, việc huy động nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Các chương trình 134, 135, 160... của Chính phủ đã mang đến diện mạo nông thôn mới cho huyện miền núi A Lưới. Tất cả các xã đều có trạm y tế và trường học, có bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp luôn được ưu tiên đến hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tất cả hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều được bố trí đất ở, đất sản xuất...

Không riêng xã Ðông Sơn, xã Thượng Nhật (huyện Nam Ðông) là một xã miền núi trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, với gần 616 hộ, trong đó dân tộc Cơ Tu chiếm 93%. Hai năm qua, các chương trình, dự án thuộc chính sách dân tộc, trong đó có dự án hạ tầng cơ sở nông thôn triển khai ở Thượng Nhật được địa phương thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, năm 2020 và 2021, các công trình cấp thiết được đồng bào tiếp tục đề xuất như công trình thủy lợi, đường giao thông, đường vào khu sản xuất, đầu tư hệ thống nước sạch cho toàn xã... đã được hoàn thành. Từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ, vốn WB và cộng đồng đóng góp 5%, nguồn kinh phí xây dựng các công trình của dự án mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật Hoàng Trung Nam cho biết: “Ngoài việc nâng cao đời sống nhân dân, các dự án từ chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn bằng các chuyên đề về phát triển cộng đồng, chuyên đề quản lý, đầu tư, thủ tục đấu thầu và chính sách môi trường, chính sách đền bù tái định cư; chuyên đề cộng đồng với công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình; cộng đồng với công tác duy tu bảo dưỡng công trình xây dựng...”.

Xác định nguyên nhân nghèo để tìm giải pháp

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, Thừa Thiên Huế còn 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 25% trở lên, trong đó 14 xã thuộc huyện A Lưới và hai xã (Hương Hữu, Thượng Long) của huyện Nam Ðông. Khảo sát theo phiếu điều tra hộ nghèo của các huyện miền núi cho thấy, có tám nguyên nhân nghèo, đó là, người dân không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động; không có phương tiện công cụ sản xuất; không có kiến thức về sản xuất; không có kỹ năng lao động sản xuất; có người đau bệnh nặng, tai nạn...

Hiện nay, người nghèo đang được hưởng thụ nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trực tiếp, tuy nhiên ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao, dẫn đến tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Sản xuất nông nghiệp của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; một số bộ phận người dân ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết cách chi tiêu trong gia đình; chưa biết cách phân tích hiệu quả kinh tế trong sản xuất; ít đầu tư để tái sản xuất sau khi thu hoạch sản phẩm…

Thực tế, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội và cũng cần khơi thông các nguồn lực. Tiêu chí đặt ra của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là ưu tiên các hỗ trợ tạo sinh kế, hạn chế “cho không” và tập trung hỗ trợ xóa các chiều thiếu hụt cụ thể của từng hộ gia đình. Ở các xã nghèo vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các mô hình phát triển sinh kế, sản xuất theo phương pháp “lớp học hiện trường”.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Văn Hải chia sẻ: Lâu nay, hộ nghèo được “cho”, được hỗ trợ khá nhiều từ các chương trình, dự án. Thế nhưng, khi chương trình, dự án kết thúc vẫn chưa đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững, thậm chí nhiều hộ tái nghèo. Việc hỗ trợ cho các hộ thoát nghèo theo chính sách không chỉ dừng ngang một hay hai năm, mà có thể kéo dài đến ba năm. Hoặc, khi hộ nghèo đã thoát được nghèo vẫn nên duy trì hỗ trợ một phần nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư, phát triển kinh tế ổn định.

Từ năm 2004, Huyện ủy Nam Ðông đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Cốt cán thôn”. Ðến nay, cả 34 thôn đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đều có tổ “Cốt cán thôn”. Mô hình này đã khắc phục được tình trạng cán bộ cốt cán xa dân, giúp cán bộ sâu sát với dân hơn và giải quyết được những vấn đề bức xúc ở cơ sở kịp thời, hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo”, các xã của Nam Ðông đã phân công cụ thể các thành viên trong cấp ủy, khối dân vận phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực và phối hợp lực lượng “Cốt cán thôn” để xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng mô hình với các mục tiêu, chỉ tiêu, quy mô, biện pháp và thời gian thực hiện; phân công từng cán bộ, đảng viên và thành viên “Tổ dân vận” phụ trách nhóm hộ gia đình để tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, mềm dẻo, tế nhị, khéo léo và thường xuyên.

Trong 5 năm qua tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn dân tộc thiểu số toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt hơn 50 tỷ đồng, với gần 6.000 hộ được hưởng lợi. Ðó là chưa kể gần 100 tỷ đồng bố trí cho chín điểm định canh định cư tập trung, trong đó, đã có ba dự án cơ bản hoàn thành đưa dân về sinh sống ổn định, gồm các dự án ở thôn Tà Rỵ, xã Hương Hữu; thôn Ta Rinh, xã Thượng Nhật (huyện Nam Ðông) và dự án định canh định cư Khe Bùn, xã A Ngo, huyện A Lưới.

Ðồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết, cũng như kế hoạch cụ thể về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn 2,0%-2,2%. Do đó, công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số cần sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm.

Tỉnh đã xác định, nhiệm vụ rất cấp bách, cần phải khẩn trương thực hiện để giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi, nhưng phải giảm nghèo đa chiều; cần tập trung ở điểm nào, khu vực nào để có những giải pháp giảm nghèo bền vững. Cần phải thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành để giảm nghèo. Giảm nghèo bền vững cần gắn liền với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép, đồng bộ các nguồn lực để phát triển; tăng nguồn lực để hỗ trợ từng hộ gia đình nghèo; ưu tiên các xã gần đạt chuẩn nông thôn mới...

Cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã phải vào cuộc với một quyết tâm cao nhất để hạ tỷ lệ hộ nghèo; đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54 của Bộ chính trị.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN CÔNG HẬU