Gia Lai: Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò trách nhiệm trước cộng đồng; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Tỉnh ủy Gia Lai đã định kỳ tổ chức tuyên dương người có uy tín, tiêu biểu ở các cấp.

Gia Lai là tỉnh Bắc Tây Nguyên, giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Với diện tích tự nhiên 15.510 km2; dân số trên 1,5 triệu người, gồm 44 dân tộc, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23%.

Nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, tỉnh Gia Lai đã triển khai rà soát xây dựng đội ngũ những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với cơ cấu mỗi thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số bầu chọn 01 người có uy tín, tích cực phối hợp với chính quyền, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 955 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, người uy tín, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò trách nhiệm trước cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiếu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”. Những người có uy tín đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến với các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là cầu nối đưa ý kiến của nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền, để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín còn tham gia giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng; thường xuyên vận động người dân đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Nhằm kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những người có uy tín, Tỉnh ủy Gia Lai đã định kỳ tổ chức cuộc gặp với người có uy tín, tiêu biểu ở các cấp; tổ chức các hội nghị gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức trên 50 hội nghị gặp mặt người có uy tín trong cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với trên 4.500 lượt đại biểu và biểu dương, khen thưởng 2.275 người có uy tín có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh cấp 148.980 tờ báo cho đội ngũ già làng, người có uy tín; phối hợp với Ủy ban Dân tộc cấp 97 chiếc điện thoại cho người có uy tín; tổ chức đưa đoàn đại biểu người có uy tín của tỉnh gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc kết hợp tham quan, học hỏi mô hình phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức hội thảo phát huy vai trò của người có uy tín tại huyện Đak Đoa và TP. Pleiku.

Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức 5 lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho gần 500 bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín và các ban, ngành, đoàn thể, chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; các chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; một số vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, môi trường, y tế, giáo dục...

Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tính đến cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Gia Lai có 45.688 hộ, chiếm tỷ lệ 12,09%; số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 40.475 hộ, chiếm tỷ lệ 25,58% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã, thôn, làng đã có điện, trên 80% hộ được dùng nước hợp vệ sinh; kết cấu kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được quan tâm đầu tư…

Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì tổ chức gặp mặt định kỳ đối với người có uy tín, tiêu biểu ở các cấp; MTTQ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách với người có uy tín…/.

Hoàng Mẫn