(Mặt trận) -Từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn “neo” ở mức cao. Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực từ các ngành, địa phương nhằm ngăn chặn, tiến đến đẩy lùi nạn tảo hôn.
2.224 cặp tảo hôn trong gần 3 năm
Đây là số liệu do đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổng hợp khi thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai” mới đây. Theo đó, từ ngày 1-1-2021 đến 31-5-2023, trên địa bàn tỉnh có 2.224 cặp tảo hôn, trong đó có 2.185 cặp là người DTTS. Cụ thể, năm 2021 có 880 cặp tảo hôn (tăng 11 cặp so với năm 2020), trong đó 866 cặp là người DTTS. Năm 2022, số cặp tảo hôn tăng đột biến với 952 cặp, trong đó có 939 cặp là người DTTS. Riêng 5 tháng đầu năm 2023 có 392 cặp, trong đó gần 97% số cặp tảo hôn là người DTTS. Cũng theo báo cáo của đoàn giám sát, tuổi tảo hôn trung bình của đồng bào DTTS đối với nữ là 13-17 tuổi, nam là 16-17 tuổi. Toàn tỉnh có 2 cặp hôn nhân cận huyết thống đều là người DTTS.
Về nguyên nhân, một là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, học sinh nghỉ học kéo dài, không có sự quản lý của nhà trường, các em thường xuyên sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội nảy sinh tình cảm dẫn đến gia tăng tình trạng tảo hôn. Việc sử dụng điện thoại thông minh của thanh-thiếu niên không được kiểm soát dẫn đến tình trạng tiếp cận với các sản phẩm văn hóa độc hại, thiếu lành mạnh, gây ra những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên. Từ đây, nhiều cặp có thai ngoài ý muốn, buộc hai bên gia đình phải tổ chức cưới hỏi dù chưa đến tuổi kết hôn.
|
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á (TP. Pleiku) xuống làng Mơ Nú tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Làm việc với đoàn giám sát, ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-nêu tình trạng: “Nhiều gia đình dù rất khó khăn, chỉ làm thuê làm mướn nhưng cũng sắm cho con điện thoại thông minh để ngồi đẩy đẩy, lướt lướt. Có cháu còn ra “tối hậu thư”: “Mẹ không mua điện thoại thông minh, con không đi chăn bò!”. Và một trong những hậu quả thì như trên đã nói.
Nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác cũng được nêu ra như: đa số người DTTS sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn nên việc tiếp cận kiến thức về hôn nhân, gia đình và pháp luật còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, hình thức tuyên truyền kém phong phú, chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các nhóm đối tượng; công tác giáo dục giới tính cho thanh-thiếu niên chưa được đẩy mạnh; quản lý hộ tịch thiếu chặt chẽ; xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn thiếu kiên quyết… cũng là những nguyên nhân được đề cập.
Ông Lương Văn Hiếu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, địa phương có nhiều cặp tảo hôn nhất trên địa bàn huyện Ia Pa thời gian qua-cho biết: Nguyên nhân phổ biến trong vùng DTTS là một số gia đình cho con gái tảo hôn để có thêm lao động, nhiều em bỏ dở việc học hành. “Buôn Đak Cha có hơn 1.300 khẩu nhưng đến nay chỉ có 5 em học sinh là người Bahnar tốt nghiệp THPT”-ông Hiếu thông tin.
Cần giải pháp quyết liệt, đồng bộ
Cuối tháng 7 vừa qua, trong khuôn khổ chuyên đề giám sát nêu trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Các đại biểu đề nghị cần đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền về giới tính; tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thanh-thiếu niên. Mặt khác, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức cấp xã nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời, xử lý kịp thời, linh hoạt các trường hợp vi phạm...
|
Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu giải pháp đẩy lùi tình trạng tảo hôn. |
Bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-băn khoăn: “Nhiều nơi có tỷ lệ gia đình văn hóa cao, trong khi tỷ lệ tảo hôn cũng… cao. Như vậy, khi bình xét gia đình văn hóa đã đưa vấn đề này vào hay chưa, vì đây là hành vi vi phạm pháp luật”. Theo bà Hồng, thực trạng trên cũng cho thấy việc thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở chưa hiệu quả, thời gian tới phải quan tâm hơn. Trong khi đó, ông Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy Mang Yang-đề xuất nghiên cứu kỹ khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp tảo hôn. Theo ông Hiệp: “Xử phạt chỉ mang tính răn đe, tuyên truyền mới là giải pháp lâu dài”.
Liên quan đến các giải pháp nhằm nỗ lực kéo giảm tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh, bà Đinh Thị Giang-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát-cho rằng: Cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ nhiều phía. Cụ thể, cần phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với các ban, ngành, hội, đoàn thể; hệ thống chính trị thôn, làng cần chủ động, kịp thời nắm bắt, xử lý khi tảo hôn xảy ra.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị đưa các quy định của pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của thôn, làng; nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình điểm; ưu tiên tổ chức diễn đàn giáo dục giới tính và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh tại các trường THCS, THPT và các trường dân tộc nội trú. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong quản lý học sinh; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tư vấn tâm sinh lý cho các em.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, hòa giải viên, cộng tác viên dân số làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành và thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết kịp thời để đánh giá tình hình sát đúng gắn với quan tâm bố trí kinh phí hợp lý cho công tác này.
LAM NGUYÊN