Gia Lai: Đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(Mặt trận) -Ngày 23-7-2011, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 449/KH-MT triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sau 10 năm triển khai, cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Những kết quả nổi bật

Để đánh giá khách quan tình hình triển khai và kết quả sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiến hành điều tra dư luận xã hội. Cuộc điều tra được tiến hành với quy mô 1.000 phiếu, phân bổ tại 40 xã thuộc 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả điều tra cho thấy, kênh thông tin mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tiếp nhận các nội dung liên quan đến cuộc vận động rất đa dạng. Song kênh quan trọng nhất là qua tài liệu tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội với 72,3%; tiếp đến lần lượt là qua Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, cơ sở truyền thanh-truyền hình cấp huyện (67,5%); qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín trong đồng bào DTTS (65,9%); từ đồng nghiệp, bạn bè, người thân và người dân (38,9%)...

Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế (ảnh chụp trước tháng 4-2021). 

Cuộc vận động nhận được sự quan tâm rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Theo đó, có đến 75,9% người được hỏi trả lời là rất quan tâm; số người trả lời quan tâm nhưng không nhiều là 22,5% và chỉ có 6 người (tương đương 0,6%) trả lời không quan tâm. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 65,8% số người được hỏi trả lời điều khiến họ tâm đắc nhất đối với cuộc vận động chính là giúp đồng bào DTTS nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần những tập quán lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết tự lực vươn lên trong lao động sản xuất và đời sống. Nhiều hộ gia đình đã đổi mới phương thức sản xuất, mạnh dạn thay đổi cách làm ăn; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (65,3%). Nhiều hộ nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi dạy con cháu; thực hiện tốt chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình (61,9%).

Kết quả điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện cuộc vận động, bản thân và gia đình người DTTS có sự thay đổi tích cực trong cách làm. Có 74,8% người được hỏi cho rằng đồng bào DTTS đã siêng năng lao động sản xuất, sắp xếp lao động trong gia đình hợp lý, phát huy lợi thế về đất đai và chọn giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, thu nhập cao. 73,4% người trả lời đã thực hành tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. 69,7% người tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hiệu quả; khi đau ốm, sinh đẻ biết đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. 66,3% người trả lời xóa bỏ tập tục lạc hậu, không thách cưới, phạt vạ, không tổ chức ma chay, cưới hỏi dài ngày, tốn kém, không uống nhiều rượu bia, không ép buộc người khác uống nhiều rượu bia làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. 64,6% biết sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; rào vườn, cải tạo vườn tạp, trồng rau, làm nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cách ly khu nhà ở. 64,2% biết sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của xã hội để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 61,1% người trả lời không nên bán đất ở, đất sản xuất, không tiếp tay cho lâm tặc, không lấn chiếm đất lâm nghiệp, không chặt phá rừng trái phép để lấy đất làm nương rẫy…

Ngoài tác động đến các cá nhân, hộ gia đình, cuộc vận động đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS. Số liệu phân tích từ cuộc điều tra cho thấy, có 70,4% số người được hỏi cho rằng quá trình thực hiện cuộc vận động đã tác động rõ nét đến bộ mặt nông thôn, thể hiện qua việc sinh hoạt và tập quán của người dân từng bước thay đổi theo hướng văn minh, các tập tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Có 68,7% người được hỏi cho rằng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. 61,7% nhận thấy sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, góp phần tăng thu nhập của người dân.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động

Bên cạnh kết quả đạt được, có lúc, có nơi, việc triển khai thực hiện cuộc vận động còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia, nhất là công tác tuyên truyền, vận động. Việc lồng ghép, huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận đồng bào DTTS tự bằng lòng với cuộc sống của mình, tự ti, chưa mạnh dạn học hỏi, tiếp thu cái mới, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất, chưa biết tích lũy và chi tiêu hợp lý. Việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động chưa thường xuyên.

Để cuộc vận động phát huy hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới, từ kết quả điều tra cho thấy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt cuộc vận động, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12-4-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức chính trị-xã hội chủ trì, nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cụ thể hóa nội dung cuộc vận động sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, từng vùng đồng bào DTTS.

Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; các cá nhân uy tín, người tiêu biểu trong cộng đồng là lực lượng xung kích, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh Gia Lai cần chú trọng làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; có cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai cuộc vận động ở cơ sở của đội ngũ cán bộ xã, thôn, qua đó kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những yếu kém, lệch lạc trong thực hiện. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai cần đề xuất Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ các chương trình an sinh xã hội, Quỹ “Vì người nghèo” của Trung ương để tạo thêm nguồn lực giúp tỉnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.

TỐNG THỚI MỐC