Gia Lai: Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”

(Mặt trận) -Xuất phát từ quan điểm hướng về cơ sở xây dựng thôn, làng nông thôn mới gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới; trên cơ sở đánh giá toàn diện về những kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với nội dung lồng ghép 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cách làm mới, nét đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai trong xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp xem là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm thực hiện.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Quân - Dân đồng lòng di dời nhà ở về điểm quy hoạch làng nông thôn mới tại làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện.

Xác định xây dựng làng nông thôn mới là phải đi đôi với việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, phải từng bước thay đổi được “Nếp nghĩ”, “Cách làm” trong đồng bào dân tộc thiểu số, những hủ tục lạc hậu cần được xóa bỏ nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt phải phát huy sức mạnh chủ thể của người dân trong xây dựng làng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với các nội dung xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cụ thể hóa các nội dung, giải pháp triển khai thực hiện; chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Mưa dầm thấm lâu”, “Cầm tay chỉ việc” nhằm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gắn với việc kịp thời biểu dương những tấm gương điển hình, người thật, việc thật để hướng dẫn cho đồng bào học tập và làm theo. Để cụ thể hóa các nội dung của cuộc vận động, tạo được sức lan tỏa rộng lớn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời phát hành Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tổ chức cấp phát 11.828 cuốn Sổ tay đến cán bộ làm công tác tuyên truyền các cấp trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở nội dung Sổ tay, một số địa phương đã có những cách làm mới để truyền tải nội dung của Sổ tay đến thôn, làng và đến từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể như: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa đã in áp phích tuyên truyền về nội dung Sổ tay gửi đến các xã, thị trấn; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang in và đóng khung nội dung Sổ tay treo tại nhà sinh hoạt cộng đồng và in cấp phát Sổ tay đến 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của 04 làng: làng Đê Bờ Tức, xã Đak Jơ Ta; làng Roh, Bờ Yầu, xã Lơ Pang; làng Dơ Nâu, xã Kop Thụp,…

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tập trung khảo sát, xây dựng được 187 mô hình và nhân rộng 170 mô hình thực hiện Cuộc vận động. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã lồng ghép từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” tỉnh, “Quỹ Cứu trợ” tỉnh và nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương hỗ trợ các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được 12 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng; huyện Phú Thiện với các mô hình: “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, mô hình “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”; huyện Mang Yang với các mô hình: “Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế bằng cách vần công, đổi công”, mô hình “Gây quỹ cho các hộ vay vốn trong những lúc khó khăn”; huyện Ia Pa với mô hình “Chăn nuôi kết hợp hầm Bioga và nhà vệ sinh”; huyện Kbang với các mô hình: “Không có người tảo hôn”, mô hình “Nuôi dê sinh sản”; thành phố Pleiku với mô hình “Phụ trách làng và giao vốn cho hộ nghèo phát triển sản xuất”,...

Song song với việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình thực hiện Cuộc vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xây dựng làng nông thôn mới, tiêu biểu như: Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp vận động các đoàn viên, hội viên tham gia 3.150 ngày công lao động giúp di dời 47 nhà dân theo đúng quy hoạch tại làng Bi Giông, xã Bờ Tó và di dời 113 nhà dân theo đúng quy hoạch, trồng 500 cây xanh trên các tuyến đường trong làng Blôm, xã Kim Tân; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ di dời nhà cửa, di dời chuồng bò ra xa khu nhà ở, hướng dẫn trồng rau, trồng 200 cây xà cừ trên đường bê tông và phát động trên 450 lượt người dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm tại thôn Plei Pông, làng Hek, xã Chư A Thai; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc xã Ia Me phối hợp với các đoàn thể giúp đỡ các hộ gia đình của làng Xom, xã Ia Me đào hố rác, làm nhà vệ sinh, vệ sinh khuôn viên nhà ở, phát quang bụi rậm các trục đường trong làng,…

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai, tiêu biểu: ông Ksor Ry (thôn Bôn Sô Ma Lơng, xã Ia Peng), ông Ksor Khít (thôn Bôn Mi Hoan, xã Ia Hiao), huyện Phú Thiện đã tích cực phối hợp với cán bộ thôn vận động người dân di dời, sắp xếp trên 60 nhà ở, di dời 01 Nhà Rông truyền thống theo vị trí quy hoạch, vận động 74 hộ dân trong làng di dời chuồng bò ra khỏi gầm sàn nhà, hướng dẫn bà con làm được 100 vườn rau xanh phục vụ đời sống, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng các công trình được Nhà nước đầu tư; ông Rơ Châm Kớt (làng Kênh, xã Nghĩa Hòa), ông Rơ Châm Nhích (làng Hreng, xã Hòa Phú), huyện Chư Păh  đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp được trên 300 triệu đồng và hàng trăm ngày công, hiến gần 10.000m2 đất vườn, tháo dỡ 4.000m hàng rào lưới B40 và 1.000m tường rào để mở rộng đường giao thông trong làng đảm bảo rộng từ 05m trở lên; ông Hmơk (làng Krun, xã Hneng), ông Pih (thôn Bông Lar, xã Ia Băng), huyện Đak Đoa đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong làng xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đưa con em đúng độ tuổi đến trường, tích cực tham gia bảo vệ sinh môi trường; ông Nay Lưn (xã Chư Ngọc), ông Ksor Plíp (Buôn Dù, xã Ia Mlah), ông Nay Em (xã Phú Cần), huyện Krông Pa đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Những kết quả nêu trên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong xây dựng làng nông thôn mới. Kết quả, trong 03 năm (2018 - 2020) đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp 93.671 triệu đồng, huy động được 36.551 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ, hiến 86.813m2 đất ở, đất vườn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn; giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm còn lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó góp phần thay đổi diện mạo của nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số, bản sắc văn hóa và các phong tục tập quán tốt đẹp của làng đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy; vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn khu dân cư cơ bản được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường, quy hoạch thôn, làng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đồng bộ; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức và tiếp cận tiến độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, còn chịu ảnh hưởng của một số hủ tục lạc hậu, chưa biết tiết kiệm, tính toán hợp lý trong chi tiêu, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao, tính đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 19.958 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5.38%, trong đó có 17.178 hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 86,07% trong tổng số hộ nghèo.  

Phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, để tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” góp phần thực hiện hiệu quả xây dựng làng nông thôn mới trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tập trung đẩy mạnh thực hiện nội dung Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; kịp thời kiểm tra, đánh giá và nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả trong việc thực hiện nội dung Sổ tay. Tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phát huy nội lực, vận động các nguồn lực triển khai xây dựng mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ gia đình và từng bước nhân rộng mô hình hiệu quả để tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Thư ba, tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện xây dựng làng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thôn, làng đảm bảo trung thực, khách quan.

Thư tư, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng làng nông thôn mới thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” nhằm huy động nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sức mạnh nội lực của nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

                                                    Hoàng Nam