Đồng bào vùng cao hướng về ngày bầu cử

(Mặt trận) -Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến rất gần. Hòa chung không khí nô nức của các tầng lớp Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa cũng đang hướng về ngày hội lớn với niềm tin sẽ lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Đồng bào Dao, xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xem danh sách những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh.

Về xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc), chúng tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và đồng bào Dao nơi đây đối với sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này. Cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu được treo trang trọng trên các tuyến đường liên xã, liên thôn và nhà văn hóa các thôn. Hệ thống truyền thanh cơ sở tích cực phát tin tuyên truyền về cuộc bầu cử.

Thôn Phùng Sơn thuộc đơn vị bầu cử số 1 của xã Phùng Giáo, với 100% đồng bào Dao sinh sống. Theo danh sách niêm yết, toàn thôn có 289 cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiều ngày nay, nhà văn hóa thôn luôn mở cửa để cử tri vừa kiểm tra lại thông tin của mình, vừa nắm bắt tiểu sử, quá trình công tác, thành tích của những ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tại đây, các thành viên tổ bầu cử cũng thay phiên nhau túc trực để hướng dẫn cử tri rà soát thông tin cá nhân và tìm hiểu về những người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp.

Thu xếp công việc gia đình, bà Triệu Thị Loan cùng với các chị em phụ nữ trong thôn Phùng Sơn đã đến nhà văn hóa thôn để tìm hiểu thông tin về những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Bà Loan phấn khởi cho biết: “Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh và huyện, bà con thôn Phùng Sơn đã có đường bê tông kiên cố, sạch đẹp để đi lại thuận lợi. Cùng với đó, Nhà nước còn hỗ trợ cây, con giống giúp cho nhiều hộ đồng bào phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tôi mong rằng, các đại biểu được cử tri lựa chọn sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Kịp thời ghi nhận và phản ánh những ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, HĐND các cấp. Đặc biệt là đề xuất với các cấp, các ngành tiếp tục triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm để đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và đồng bào Dao có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững, góp phần vào sự phát triển của quê hương”.

Để ngày hội bầu cử diễn ra thành công, bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thôn Phùng Sơn còn phát huy vai trò của ban công tác mặt trận thôn và người có uy tín để tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bầu cử đến mọi người dân. Tiêu biểu phải kể đến các ông Bàn Văn Thanh, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn; Triệu Văn Hiến, người có uy tín của thôn. Ông Thanh phấn khởi, chia sẻ: Nội dung tuyên truyền chúng tôi tập trung vào phổ biến thể lệ, nguyên tắc, quy trình bầu cử, nghĩa vụ và trách nhiệm của cử tri trong quá trình tham gia bầu cử, đặc biệt là mốc thời gian đi bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23-5 để bà con nắm được. Đồng bào Dao chúng tôi tin tưởng, trong nhiệm kỳ mới, Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục có những quyết sách, ưu tiên nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp người dân có cuộc sống ấm no hơn, quê hương ngày càng khởi sắc”.

Nhiệm kỳ 2021-2026, xã Phùng Giáo được bầu 21 đại biểu HĐND xã. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, ủy ban MTTQ xã đã lập danh sách chính thức 52 ứng cử viên đại biểu HĐND xã. Đến thời điểm hiện nay, xã đã thành lập 7 khu vực bỏ phiếu, tương ứng với 7 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã. Đồng thời, ủy ban bầu cử xã cũng đã lập, niêm yết danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tại các khu vực bỏ phiếu theo đúng quy định. Theo danh sách được niêm yết, toàn xã có 2.908 cử tri. Trong đó, có 2.611 cử tri là đồng bào Mường, Dao, Thái. Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, trở thành ngày hội của toàn dân, xã đã tuyên truyền về bầu cử bằng nhiều hình thức, như: trên hệ thống loa truyền thanh, pa nô, băng rôn, khẩu hiệu trực quan, qua các hội nghị hiệp thương, các buổi họp thôn. Cùng với việc tuyên truyền về bầu cử, xã Phùng Giáo cũng chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm bầu cử, nhất là khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn “5K” của Bộ Y tế.

Tại huyện biên giới Mường Lát, không khí chuẩn bị ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cũng đang diễn ra khẩn trương, nghiêm túc. Cử tri trong huyện đang nô nức hướng về ngày hội non song để được cầm trên tay lá phiếu bầu ra những đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Toàn huyện Mường Lát có hơn 8.000 hộ với 42.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Mông chiếm hơn 40%, sinh sống chủ yếu tại các xã Nhi Sơn, Pù Nhi, Trung Lý, Mường Lý. Xã Pù Nhi có 11 bản; trong đó, có 7 bản có đồng bào Mông sinh sống, chiếm 74% dân số toàn xã. Cận kề ngày bầu cử, từ công sở xã đến nhà văn hóa các bản đều được trang trí cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu rực rỡ, cùng với cờ hoa, danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được niêm yết công khai. Ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Pù Nhi, cho biết: “Để ngày hội bầu cử diễn ra thành công, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị phối hợp với các chiến sĩ đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Pù Nhi đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới tận các bản bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông nhằm giúp người dân hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa, các quy định của Luật Bầu cử. Các cuộc tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri được đồng bào tham gia đông đủ, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao”. Sau hiệp thương lần thứ 3, ủy ban MTTQ xã đã thống nhất danh sách 7 ứng cử viên đại biểu HĐND huyện và 38 ứng cử viên đại biểu HĐND xã. Những người được giới thiệu ứng cử chính thức đều tiêu biểu về phẩm đất đạo đức, có lập trường chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn và uy tín với Nhân dân. Căn cứ vào số lượng cử tri và đặc điểm dân cư của từng bản, xã Pù Nhi đã thành lập 6 đơn vị bầu cử, với 3.730 cử tri bầu 3 cấp và 3.679 cử tri bầu 4 cấp. Bên cạnh đó, xã cũng khảo sát tìm những địa điểm thuận lợi nhất để tổ chức bầu cử. Cận kề những ngày diễn ra cuộc bầu cử, công việc của các cán bộ làm công tác tuyên truyền xã Pù Nhi càng trở nên vất vả. Hôm nay, các cán bộ tuyên truyền xã xuống bản Pù Toong để tuyên truyền, vận động đồng bào không lên nương vào ngày 23-5, ngày diễn ra bầu cử.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông Lâu Văn Chá hồ hởi tiếp đón mọi người. Ông phấn khởi cho biết: “Được cán bộ xã tuyên truyền, tôi đã hiểu ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi của mình về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ngày 23-5 tới, tôi sẽ không lên nương để cùng với cử tri trong bản đi bỏ phiếu bầu ra các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng tôi cũng kỳ vọng, Quốc hội và HĐND các cấp quan tâm hơn nữa đến đồng bào Mông ở xã Pù Nhi nói riêng và huyện Mường Lát nói chung”.

Không chỉ ở huyện Ngọc Lặc, Mường Lát, càng gần đến ngày hội của non sông, không khí cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026 càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc khu vực miền núi trong tỉnh. Đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh đang mong chờ đến ngày bầu cử để thực hiện quyền làm chủ của mình, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng về những người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình sẽ góp phần cùng các cấp, các ngành đưa kinh tế - xã hội khu vực miền núi ngày càng phát triển, đời sống của Nhân dân ngày càng ấm no.

Trần Thanh