Đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm

(Mặt trận) -Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào Khmer mà hiện nay, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, diện mạo phum sóc cũng ngày một khởi sắc.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

 Diện mạo nông thôn mới ở vùng quê Bạc Liêu.

Thay đổi từ nếp nghĩ…

Trước đây, khi đời sống kinh tế của bà con Khmer chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất lúa truyền thống, mỗi năm chỉ một vụ lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ thì phần lớn người dân đều sống trong những ngôi nhà lá tạm bợ, lụp xụp. Khi ấy, đường sá quanh co, nhỏ hẹp, mỗi khi mùa mưa đến chỉ có thể đi lại bằng các phương tiện thủy... Hình ảnh về những phum sóc vắng lặng, đìu hiu ấy nay đã đổi khác với gần 100% các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có lộ bê-tông thông thoáng, các công trình phục vụ dân sinh thiết yếu như: điện, nước sạch, trường học, trạm y tế được quan tâm đầu tư đồng bộ. Bộ mặt phum sóc cũng nhờ vậy mà trở nên khởi sắc.

Để có được những đổi thay ấy, không chỉ là thành quả của các chương trình ưu đãi dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn là “kết tinh” từ sự chuyển biến rõ nét trong nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh nói riêng. Với phương châm “trao cần câu chứ không trao xâu cá”, nhiều địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã triển khai thực hiện đồng bộ, dài hơi nhiều chính sách ưu đãi. Thậm chí là cử cán bộ cầm tay chỉ việc để khi được hưởng các chính sách ưu đãi bà con biết tận dụng tối đa nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, xoay vòng vốn nhanh hơn. Từ đó, giúp nhiều hộ gia đình Khmer có nguồn thu nhập ổn định, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi mà tự lực vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Ông Danh Tre - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phú Tân (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân), cho biết: “Từ khi đời sống kinh tế dần ổn định, bà con Khmer trong xóm cũng nhiệt tình, hăng hái tham gia vào các phong trào của địa phương. Nhờ đó, các công trình, phần việc nhanh chóng được hoàn thành và đi vào đời sống góp phần làm thay đổi diện mạo phum sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn xã”.

…Đến cách làm

Với việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân tộc Khmer đầu tư sản xuất. Từ đây, những mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng đã khơi dậy tinh thần cần cù lao động của nhiều hộ gia đình. Điển hình như ông Thạch Thu ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) làm giàu nhờ mô hình trồng màu kết hợp nuôi bò; mô hình tôm - lúa của ông Diệp Văn Cọp (huyện Hồng Dân)… là những những tấm gương sáng về tinh thần chịu khó, ham học hỏi và không ngừng nỗ lực vươn lên từ nghèo khó.

Ông Thạch Thu (xã Vĩnh Trạch Đông) chia sẻ: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà những hộ Khmer khác trong xóm ấp giờ đây đều chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Hết mùa lúa là bắt tay vào mùa rẫy, ngoài ra còn tranh thủ lao động bên ngoài để kiếm thêm thu nhập. Nhiều gia đình Khmer trong xóm mà tôi biết trước đây hoàn cảnh khó khăn lắm, thiếu trước hụt sau, nhưng nhờ chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi mà kinh tế hiện đã ổn định, con cái được học hành tử tế, gia đình hòa thuận, vui vẻ”.

Trước đây, nhiều hộ nghèo còn bỏ đi nơi khác làm thuê vì không có vốn sản xuất nhưng hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ vốn, con giống và tư vấn giải quyết việc làm để có thêm thu nhập cho gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn được hỗ trợ về nhà ở. Theo đó, ngày càng nhiều những ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng kịp thời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cộng đồng trong việc giúp đồng bào Khmer có được mái ấm kiên cố để vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, giúp bà con giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, khôi phục và phát triển các giá trị thuần phong mỹ tục, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thắt chặt hơn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, cũng như khơi dậy phong trào văn hóa ở cơ sở. Từ đó, bà con Khmer trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên và chung sức, đồng lòng cùng với cộng đồng các dân tộc anh em ra sức thi đua lao động, học tập, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Chí Linh