Đồng bào Công giáo xã Hợp Thành sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Những năm qua, giáo dân xã Hợp Thành (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) luôn phát huy truyền thống sống "tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động chung của địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cán bộ xã Hợp Thành (TP Hòa Bình) tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới các giáo dân thuộc giáo họ Tân Thành.

Xã Hợp Thành hiện có 6 xóm, 768 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu. Xã có 1 giáo họ Tân Thành gồm 36 hộ, 152 nhân khẩu, trong đó, có 22 hộ với 93 nhân khẩu thuộc xóm Tân Thành. Đồng chí Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn tích cực tham gia đảm bảo ANTT, giữ ổn định an ninh chính trị, không để việc tuyên truyền đạo trái phép xảy ra. Với tinh thần "Kính chúa, yêu nước”, giáo dân luôn tiên phong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới và năng động trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần giúp xóm, xã đạt được những kết quả quan trọng”.

Tại xóm Tân Thành, bà con giáo dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, tập trung tại khu vực ven hạ lưu sông Đà. Hiện nay, ngoài việc đánh bắt thủy sản, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi 16 lồng cá cho thu nhập ổn định. Tiêu biểu như các hộ: Lê Văn Chanh, Lê Văn Đơn, Ngô Văn Thụ... Nhờ đó, so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm còn 5,7% (chỉ có 1/22 hộ giáo dân trong diện hộ nghèo), thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người/năm (tăng 21 triệu đồng).

Trong xây dựng nông thôn mới, thông qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con giáo dân chung sức thực hiện dưới nhiều hình thức. Theo trưởng xóm Tân Thành Nguyễn Văn Tâm, bà con đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương, người thân trong dòng họ, gia đình nắm rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới. Điển hình như tham gia bảo vệ môi trường, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm từ 1-2 lần/tháng; 100% hộ có đạo tham gia BHYT, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã trên 90%. Tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao do xóm, xã phát động dịp lễ, Tết, sân khấu hóa về tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài việc tham gia tổ an ninh, tổ tự quản của xóm, các gia đình giáo dân nhiều năm qua không có người vi phạm pháp luật. Năm 2019, xóm có 91,4% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 10 năm liên tục được công nhận làng văn hóa, trở thành điểm sáng của địa phương.

Bên cạnh đó, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống giáo dân trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cùng sự đóng góp của giáo dân cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội. Đơn cử như chính quyền xã hỗ trợ vật liệu từ nguồn ngân sách để xây dựng 4 đoạn đường xuống bến sông dài hơn 100 m tại khu vực giáo dân sinh sống, nhân dân trong xóm cùng các giáo dân đóng góp ngày công lao động xây dựng công trình, tạo thuận lợi cho bà con đi lại trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Hay việc tu sửa công trình nhà nguyện của giáo họ Tân Thành, chính quyền địa phương hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách, các giáo dân đóng góp hơn 50 triệu đồng. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền đến đồng bào Công giáo trên địa bàn, tạo sự đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, giữa các tôn giáo và cộng đồng dân cư. Với những đóng góp của đồng bào Công giáo, xóm đạo đã có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.

Thanh Sơn