Đồng bào công giáo Vĩnh Lợi chung sức xây dựng nông thôn mới

(Mặt trận) -Những năm qua, đồng bào công giáo xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang luôn phát huy truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào, hoạt động chung của địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Một đoạn đường bê tông về các họ giáo xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương).

Đồng chí Lương Xuân Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi cho biết, xã có 7 họ giáo với 1.480 hộ và 6.583 nhân khẩu; có 2 linh mục, 7 nhà thờ, chiếm 68% tổng số dân trong toàn xã. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào giáo dân tại địa phương tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo. Nhân dân luôn tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với tinh thần “Kính chúa, yêu nước” giáo dân luôn tiên phong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con, góp phần giúp địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đời sống của bà con giáo dân cũng được cải thiện về vật chất lẫn tinh thần và ngày càng được nâng lên, bà con giáo dân an tâm, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.

Những ngày này về thôn Văn Minh đã thấy không khí chuẩn bị cho lễ Giáng sinh thật nhộn nhịp. Trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn cho biết, toàn thôn có 139 hộ, với 608 nhân khẩu, 100% bà con ở đây là đồng bào công giáo. Từ công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương, nhiều hộ gia đình trong thôn đã mạnh dạn đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, rau sạch... Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người của thôn hiện đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 70%, số hộ nghèo giảm còn 5%...

Tiêu biểu như gia đình bà Trần Thị Xuân nuôi 8 con bò và trồng 4 sào rau màu các loại, mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng. Gia đình ông Đoàn Bình Minh, phát triển kinh tế bằng mô hình trồng rau sạch với quy mô 6 sào rau, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi được 70 triệu đồng... Kinh tế phát triển tạo đà cho thôn đầu tư hạ tầng cơ sở nông thôn, đường bê tông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, kiên cố in đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư. Qua bình xét năm 2021, toàn thôn có 99% hộ đạt gia đình văn hóa; 90% hộ 3 năm liên tục đạt gia đình văn hóa. Những ngày này các hộ trong thôn đều cùng nhau đóng góp từ 500 - 700 nghìn đồng để trang trí làm đèn chiếu sáng chào đón ngày Giáng sinh với mong muốn một năm mới mọi điều tốt đẹp đến với mọi người.  

Trong xây dựng nông thôn mới, thông qua tuyên truyền, vận động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, bà con giáo dân chung sức thực hiện dưới nhiều hình thức. Cụ thể như tự nguyện hiến đất để cải tạo, làm đường giao thông nông thôn, đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động để mở rộng đường giao thông thôn, xóm và xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, tường rào; vệ sinh môi trường sạch sẽ; vận động 100% giáo dân đăng ký thu gom rác, trang bị thùng rác dọc theo các tuyến đường, không xả rác bừa bãi trong khu dân cư.

Các khu dân cư còn vận động giáo dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để tạo sự gần gũi, đoàn kết gắn bó mật thiết giữa chính quyền, người không có đạo với cộng đồng giáo dân trong xã. Qua bình xét năm 2021, các họ công giáo trên địa bàn xã đều có tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm trên 90%. Nhiều gia đình công giáo được khen thưởng trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.  

Với sự chung sức đồng lòng, đồng bào công giáo xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bà con giáo dân ngày càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Minh Thủy