Đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên thi đua “sống tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Thái Nguyên là tỉnh có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa, với trên 30.000 nhân danh, sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở 9 huyện, thành phố. Nhiều năm qua, bà con giáo dân luôn phát huy tinh thần đoàn kết lương giáo, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Nhiều năm nay, bà con giáo dân Giáo họ Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển  kinh tế, mang lại đời sống ấm no. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Phúc, Trùm trưởng Giáo họ Hích (ngoài cùng bên trái)  trao đổi cách chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap với bà con giáo dân. 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Cùng với sinh hoạt giáo lý, củng cố đức tin, bà con Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn đông bà con Công giáo sinh sống có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Ngọc Lâm; mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Làng Phan (Linh Sơn, TP. Thái Nguyên)… Nhiều người Công giáo thành danh là doanh nhân, tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động.

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng bào Công giáo đã tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.

Nhiều tấm gương tiêu biểu trong các giáo xứ, giáo họ, ban hành giáo, như ông Lê Văn Chinh, Phó Ban Hành giáo Giáo họ Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình hiến gần 5.000m2 đất để làm 3km đường giao thông liên xóm theo tiêu chí nông thôn mới.

Trong những năm qua, đồng bào Công giáo luôn đoàn kết với các tôn giáo khác, cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa; các mô hình khu dân cư tự quản mạng lại sự bình yên, môi trường "đáng sống" tại các khu dân cư.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ.

Cùng với việc giữ gìn nếp sống tốt đẹp của người theo đạo, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, nhân đạo, như: Ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ; Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh xây dựng “Quỹ tấm lòng Bác ái”, hằng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết; xây dựng công trình dân sinh tại vùng khó khăn.

Ngoài làm tròn bổn phận đối với việc đạo, đồng bào Công giáo còn thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân, cùng chung tay gánh vác công việc xã hội.

Toàn tỉnh hiện có 46 tín đồ là người Công giáo là đại biểu HĐND các cấp; 251 tín đồ tôn giáo tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; nhiều người tham gia ban chấp hành hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh...

Hiện, toàn tỉnh có 409 đảng viên là người Công giáo. Nhiều chức việc, người Công giáo còn tham gia cấp ủy, bí thư chi bộ, trưởng, phó xóm, trưởng ban công tác mặt trận; trưởng, phó các chi hội đoàn thể, công an viên tại các khu dân cư.

Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, nhận xét: Đồng bào Công giáo là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là lực lượng đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển.

Thu Hằng