(Mặt trận) -Đồng bào Công giáo ở xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình không chỉ là những người tin yêu Chúa, mà họ còn rất tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), có truyền thống sống “tốt đời đẹp đạo”, đoàn kết, gương mẫu trong lao động và sản xuất, tạo nên những đổi thay tích cực cho quê hương.
Đoàn kết lương giáo, chung tay xây dựng NTM
Có dịp về xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), tìm hiểu về đời sống của Nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng về cuộc sống cảnh quan nông thôn ở đây. Những căn nhà khang trang, đẹp đẽ, con đường giao thông trải thảm nhựa phẳng lì và rộng rãi. Hai bên đường là những rặng hoa trải dài với màu sắc rực rỡ, tươi tắn dưới nắng. Các công trình phúc lợi như: Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…được đầu tư xây dựng khang trang. Những hàng bóng đèn chiếu sáng thẳng tắp, góp phần tạo nên diện mạo của một vùng quê giàu đẹp, yên bình.
|
Bà con lương, giáo đã đoàn kết, tích cực chung tay cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới |
Được biết, xã Hồi Ninh có hơn 53% là đồng bào công giáo, có được những diện mạo như bây giờ, là nhờ bà con lương, giáo đã đoàn kết, tích cực chung tay cùng với chính quyền xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 1 nhà thờ giáo xứ Dưỡng Điềm, và 8 nhà thờ giáo họ. Xã Hồi Ninh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021, với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Vì thế, xã đã tập trung nguồn lực nâng cao các tiêu chí, để phấn đấu năm 2023, xã công nhận nông thôn mới nâng cao.
Theo đó, đồng bào công giáo luôn tích cực hiến đất, tháo dỡ công trình, đóng góp công sức…tạo nên khí thế sôi nổi, đoàn kết, đồng tình ủng hộ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, chung tay cùng chính quyền xây dựng và thúc đẩy phát triển địa phương.
Ông Vũ Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Hồi Ninh cho biết: “ Đến nay, các tiêu chí đã cơ bản đã hoàn thiện và xã đang làm hồ sơ để đợi công nhận nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Có được kết quả trên, là sự tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận góp sức của Nhân dân và sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp lãnh đạo. Đặc biệt, xã Hồi Ninh có hơn 1.800 hộ với gần 6.000 khẩu, trong đó người dân là đồng bào công giáo chiếm 53,8%".
Theo ông Tưởng, để đồng bào công giáo đồng thuận, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Hồi Ninh đã chú trọng tuyên truyền thông qua các hội nghị, qua đài truyền thanh. Đặc biệt, trực tiếp, tiếp cận với các cụ cao tuổi, để qua đó phong trào nông thôn mới nâng cao luôn được lan tỏa.
Ông Tưởng cho hay: "Hiện nay, xã Hồi Ninh không còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xây dựng nông thôn mới từ nguồn đấu giá đất, sự hỗ trợ từ cấp trên. Bên cạnh đó, nhân dân cùng đóng góp như: Trồng cây xanh dọc các tuyến đường (cây cau, hoa giấy…),đường điện chiếu sáng…".
Xã Hồi Ninh có 12 xóm nhưng có khoảng 90% dân số làm nông nghiệp, còn lại đi làm các công ty, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng…chính vì thế thu nhập bình quân của người dân hiện tại mới đạt hơn 55.000.000 đồng/người. Tuy nhiên, với cách tuyên truyền, vận động hiệu quả theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã huy động được sức dân, sự ủng hộ của bà con nhân dân chính là chìa khóa cho phát triển của địa phương.
Tinh thần sống phúc âm giữa lòng dân tộc
Không chỉ ở Hồi Ninh, nhiều giáo dân ở huyện Kim Sơn cũng đang tích cực xây dựng quê hương với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào công giáo Kim Sơn tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, góp của, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn...Tiêu biểu như khu dân cư Dũng Thúy, xứ Như Sơn, xã Xuân Thiện hiến hàng trăm m2 đất, góp hàng trăm triệu đồng; Bà con giáo họ Thành Đức, giáo họ trị sở xứ Mông Hưu, xứ Cách Tâm và đóng góp xây dựng được 2 nhà văn hóa thôn, với tổng số tiền 600 triệu đồng..
Những năm qua đồng bào Công giáo trong huyện Kim Sơn đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động, với hàng chục tỷ đồng vào phong trào xây dựng và cải tạo đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, đường làng, ngõ, xóm, xung quanh khuân viên các nhà thờ được cải tạo khang trang, 100% các giáo xứ, giáo họ có đường bê tông nối khuân viên nhà thờ với đường liên thôn, liên xã.
Hầu hết các cơ sở thờ tự đều được tu sửa, nâng cấp, một số nhà thờ đã và đang được xây mới như: giáo xứ Kim Trung, Trì Chính, Hòa Lạc, Phát Vinh, Kim Đông… phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân, làm cho bộ mặt vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần chung vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện, với 16/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, các vị chức sắc, chức việc, đồng bào Công giáo trong huyện đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương theo tinh thần thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam là “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”, thực hiện phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước”; thực các chương trình an sinh xã hội như, giúp đỡ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có khó khăn về nhà ở xây mới và sửa chữa; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động, xây dựng các xứ họ đạo bình yên, gia đình văn hóa, khu dân cư không có tệ nạn xã hội.
Các hoạt động từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật và những trường hợp khó khăn được quan tâm; tinh thần đoàn kết lương - giáo, truyền thống yêu quê hương, đất nước luôn được phát huy.
Bằng tinh thần đoàn kết và tình yêu thương quê hương, bà con giáo dân ở Kim Sơn đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
Quỳnh Trâm