Đồng bào Công giáo huyện Thường Tín tích cực thi đua yêu nước, xây dựng xứ đạo tiên tiến

(Mặt trận) -Thực hiện đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội) đã tích cực thực hiện các phong trào, cuộc vận động thi đua yêu nước. Từ phong trào đã xuất hiện những mô hình hay cần được khích lệ và nhân rộng.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Tập thể và cá nhân Công giáo có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước tại huyện Thường Tín được khen thưởng.

Tích cực phát triển kinh tế, phát huy tinh thần bác ái

Trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) có 18 họ đạo thuộc 6 giáo xứ với khoảng 13.600 người Công giáo (chiếm khoảng 5,18% dân số toàn huyện). Những năm  qua, đồng bào Công giáo đã tích cực thi đua xây dựng “Xứ, họ đạo tiên tiến” bằng những hành động thiết thực. Nhiều gia đình Công giáo đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng; đầu tư phát triển ngành dịch vụ, nghề truyền thống, như: giáo dân Nguyễn Văn Nghị tại họ đạo Định Quán đã xây dựng thành công mô hình trang trại trồng cây kết hợp chăn nuôi, đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm; nhiều giáo dân khác tại họ đạo Định Quán áp dụng máy móc trong chế tác điêu khắc để tăng năng suất, thu nhập; mô hình sản xuất rau sạch của bà Bùi Thu Hà ở giáo xứ Bằng Sở với lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm... Bên cạnh đó, giáo dân còn mở rộng giao thương, phát triển truyền thống, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình và lao động địa phương lúc nông nhàn.

Theo đánh giá của Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thường Tín, ưu điểm phát triển kinh tế nơi các xứ đạo là các gia đình đã nhanh chóng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và liên kết để tạo thành thương hiệu sản phẩm của địa phương, như vùng rau xanh ở Hà Hồi, cây cảnh ở Hồng Vân, trang trại chăn nuôi ở Kẻ Nghệ…

Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào Công giáo đã phát huy tình bác ái “Yêu người như chính mình vậy” trong các cuộc vận động vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai. Bên cạnh đó, các xứ đạo đã không ngừng quan tâm phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đến nay tất cả các giáo xứ đều thành lập được quỹ khuyến học - khuyến tài. Đồng thời, tích cực đáp lại lời kêu gọi của Giáo hội và linh mục chính xứ trong các hoạt động bác ái xã hội như giúp đỡ người tật nguyền, người có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà Tết cho các em tại cô nhi viện trong và ngoài thành phố Hà Nội, không phân biệt lương, giáo. Đây là nét đẹp thường xuyên trong đời sống xã hội của người Công giáo nói chung, đồng bào Công giáo Thường Tín nói riêng.

Những mô hình hay

Thực hiện “Người giáo dân tốt cũng là công dân tốt”, đồng bào Công giáo chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm công dân trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vừa qua, với tỷ lệ đi bầu cử đạt 100%. Hiện có 54 đại biểu Hội đồng Nhân dân là người Công giáo huyện Thường Tín.

Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong đó, đã cùng cơ quan chức năng phối hợp xây dựng thành công mô hình “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự” tại thôn Cơ Giáo (xã Hồng Vân). Giáo họ Cơ Giáo cũng là địa bàn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chọn làm điểm để xây dựng mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Từ mô hình điểm này, đến nay đã có thêm 3 mô hình về bảo vệ môi trường tại giáo xứ Kẻ Nghệ (xã Minh Cường), giáo họ Định Quán (xã Tiền Phong), giáo họ Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên), dự kiến cuối năm nay sẽ tiếp tục xây dựng mô hình này tại giáo xứ Hà Hồi (xã Hà Hồi).

Mô hình bảo vệ môi trường nói trên chính là hưởng ứng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức tôn giáo về “Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Nội dung mô hình phù hợp với giá trị đạo đức Công giáo và Thông điệp Laudato si của Đức Giáo hoàng Phanxicô về bảo vệ Ngôi Nhà Chung - Trái đất nên nhận được sự chung tay thực hiện của đông đảo giáo dân. Đến nay, các tiêu chí về môi trường nơi xứ đạo ngày càng được cải thiện.

Theo Linh mục Dương Phú Oanh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội, những hoạt động trên của đồng bào Công giáo là biểu hiện sinh động trong thực hiện đường đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và phong trào thi đua sống “Tốt đời - đẹp đạo”. Trong đó, nhiều tập thể, cá nhân Công giáo có thành tích xuất sắc đã được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội đồng thi đua khen thưởng huyện thường tín biểu dương, khen thưởng. Những phong trào thi đua yêu nước đó đang lan tỏa nơi các xứ đạo, đã góp phần tích cực vào sự phát triển của huyện và kết quả về đích nông thôn mới năm 2020 của huyện Thường Tín, đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt huyện nông thôn mới nâng cao.

Linh mục Dương Phú Oanh cho biết, để góp phần thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu người Công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11/2022, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thường Tín đang phát huy vai trò tập hợp và cầu nối, vận động giáo dân tiếp tục đoàn kết cùng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nâng cao hiệu quả các cuộc vận động thi đua yêu nước./.

An Luých