Đồng bào Công giáo Hải Phòng đồng lòng xây dựng quê hương

(Mặt trận) -Đồng bào Công giáo Hải Phòng tự nguyện hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất, góp nhiều tỷ đồng và ngày công để mở rộng đường giao thông, kiến tạo tạo cảnh quan khang trang, thân thiện môi trường.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Hiến đất làm đường giao thông

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời - đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, đồng bào Công giáo Hải Phòng cùng Nhân dân thực hiện quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa tạo ra những cánh đồng mẫu lớn để mở đường nội đồng, thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều gia đình giáo dân thành lập trang trại, gia trại để phát triển kinh tế tập trung, nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo không ngần ngại hiến tặng diện tích đất, góp kinh phí và ngày công để mở rộng đường giao thông, kiến tạo tạo cảnh quan sạch đẹp, khang trang, thân thiện môi trường.

Tại huyện An Lão, các gia đình Công giáo tại giáo họ Xuân Sơn hiến tặng hơn 1.339m2 đất để kiến thiết hạ tầng nông thôn. Tại giáo họ Côn Lĩnh, nhiều gia đình tặng diện tích đất để mở rộng đường giao thông, làm đường nội đồng như gia đình ông Bằng, ông Hiện, ông Bình, bà Oanh,...

 Giáo họ Xuân Sơn, huyện An Lão (Nguồn: Giáo phận Hải Phòng)

Xứ đạo Tiên Đôi (huyện Tiên Lãng) vận động giáo dân hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, chung tay cải tạo nghĩa trang, khuôn viên nhà thờ, sân thể thao… với tổng diện tích đất hiến tặng 36.000m2 và hàng trăm triệu đồng ủng hộ và công đức để thực hiện các công việc trên. Cũng trên địa bàn huyện Tiên Lãng, giáo xứ Đông Côn đã vận động giáo dân làm đường bê tông ngõ xóm với tổng kinh phí hơn 1 tỷ 120 triệu đồng; giáo xứ Súy Nẻo xây dựng đường giao thông thảm nhựa và bê tông, xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước, điện thắp sáng, trồng cây xanh thân thiện môi trường với kinh phí hàng tỷ đồng.

Đối với khu vực đô thị, người Công giáo Hải Phòng tích cực hưởng ứng mở rộng ngõ, ngách, cải tạo hệ thống thoát nước, chỉnh trang văn minh đô thị: Không lấn chiếm hè phố, không xả rác tùy tiện,... Với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chính quyền thành phố đã hỗ trợ xi măng, Nhân dân góp kinh phí, ngày công lao động, đến nay việc cải tạo ngõ, cống rãnh ở các quận đã thực hiện đạt 100%. Trong đó, giáo xứ Lương Khê (quận Hải An) tháo dỡ hàng trăm mét tường bao, công trình phụ và hiến tặng trên 150m2 đất trị giá 800 triệu đồng để xây dựng hạ tầng. Tại ngõ 28 phố Nhà Thờ, giáo dân góp trên 90 triệu đồng và hiến 30m2 đất trị giá 300 triệu đồng để mở rộng ngõ.

Chung tay vì môi trường

Caritas giáo phận Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; thi tìm hiểu về kiến thức môi trường nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6); tổ chức các buổi truyền thông về khí hậu và bảo vệ môi trường tại các giáo xứ…  

Linh mục quản hạt Nam Am Đaminh Cao Văn Đức trong thánh lễ hưởng ứng bảo vệ môi trường đã nhấn mạnh: Nếu cứ làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì thế giới mai ngày chẳng còn tốt đẹp nữa, các thế hệ tương lai phải sống trong một môi trường tồi tệ. Linh mục mời gọi cộng đoàn thực thi giáo huấn của Giáo hội - qua Thông điệp Laudato Si của Đức Giao hoàng - từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày: các công việc trồng trọt, chăn nuôi, giữ vệ sinh đường làng, ngõ xóm… Linh mục nhắn nhủ rằng, việc gìn giữ và bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả mọi người; hơn nữa, đây là việc làm thực sự mang ý nghĩa bác ái, vì nó hướng đến tha nhân, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng.

 Cấp phát thùng chứa rác sau thánh lễ cổ vũ hoạt động bảo vệ môi trường tại giáo xứ Hội Am, huyện Vĩnh Bảo. (Nguồn: Giáo phận Hải Phòng)

Hưởng ứng lời mời gọi bảo vệ môi trường của Giáo hội và Chương trình phối hợp: Phát huy vai trò của các tổ chức tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các xứ đạo quan tâm kiến tạo thêm cây xanh, vườn hoa; thành lập tổ ve chai để thu gom chai nhựa, sắt vụn đem bán, dùng tiền này làm các công việc bác ái, từ thiện.

Giáo dân Mạc Đình Báu thực hiện công việc thu gom ve chai hàng chục năm nay trên địa bàn phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, cho biết anh và nhiều thành viên trong gia đình đã đồng hành thu gom chai nhựa, giấy phế liệu để đem bán góp tiền vào quỹ bác ái của giáo xứ. Theo anh, việc làm này vừa đem lại kinh tế, vừa có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, vì rác thải nhựa rất khó phân hủy.

Bà Tống Thị Thu (giáo xứ An Hải) cho biết, mỗi hành động nhỏ vì môi trường cũng chính là vì cuộc sống của gia đình và cộng đoàn, nhiều người cùng thực hiện sẽ xây dựng thành phố sạch, đẹp. “Linh mục đã phổ biến nội dung chính của Thông điệp Laudato Si về bảo vệ ngôi nhà chung (Trái đất), Caritas giáo phận Hải Phòng đã tập huấn tới các giáo xứ. Mình được học, được mời gọi thì cần làm gương thực hiện để các con cháu làm theo, vừa bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước vừa là thực hiện bổn phận của người tín hữu”, bà Thu nói.

Đến nay, cộng đoàn giáo dân trên địa bàn Hải Phòng được trang bị kiến thức cơ bản về môi trường và biến đổi khí hậu; ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao; mọi người thực hành bỏ rác đúng nơi, đúng giờ, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng tiết kiệm điện và tài nguyên thiên nhiên, thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn,…

Sự đồng lòng và chung sức của người Công giáo trong các lĩnh vực trên đã góp phần đưa nhiều địa phương của Hải Phòng về đích nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời kiến tạo bộ mặt quê hương, xứ đạo khang trang, thân thiện môi trường./.

An Luých