Đồng bào Chăm chung tay phòng, chống dịch

(Mặt trận) -An Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch Covid-19, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từ đó, giúp người dân có nhận thức đúng đắn về dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Cán bộ Đồn Biên phòng Nhơn Hội tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Chăm tại ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Cộng đồng dân tộc Chăm ở An Giang hiện có hơn 17.000 người theo đạo Hồi Islam, sinh hoạt ở 12 thánh đường và 16 tiểu thánh đường ở chín xóm, ấp thuộc thị xã Tân Châu và bốn huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân. Thời điểm này, bà con đang đón Tết Roya Haji (còn gọi là Tết của sự yêu thương và tha thứ) là ngày Tết truyền thống của người Chăm theo đạo Islam đúng vào lúc cao điểm cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19.

Tết năm nay mặc dù được tổ chức đơn giản, bà con không đến các thánh đường hành lễ như trước, thay vào đó chỉ tổ chức đón Tết tại gia đình nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhưng cũng không kém phần tươm tất, ấm cúng. Nhân dịp này, đại diện chính quyền thị xã Tân Châu, huyện An Phú, huyện Châu Thành cùng các ban, ngành đã đến thăm và chúc Tết Roya Haji đồng bào dân tộc Chăm.

Các đoàn đã ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống bà con trong đại dịch và mong muốn giáo cả các thánh đường tiếp tục động viên bà con vượt qua khó khăn, cùng Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đẩy lùi dịch Covid-19 thông qua việc thực hiện nghiêm chủ trương mở rộng phạm vi cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay sau khi phát hiện trên địa bàn xã Ða Phước, huyện An Phú có các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, cả hệ thống chính trị tại địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp khống chế, không để dịch lan rộng. UBND huyện, Ủy ban MTTQ huyện An Phú và Ðảng ủy, ban, ngành, đoàn thể xã Ða Phước chủ động đến từng hộ dân, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế; thực hiện khai báo y tế; không bao che, tiếp tay cho những đối tượng trốn cách ly.

Phó Chủ tịch UBND xã Ða Phước Lê Hoàn Anh cho biết, nhờ việc triển khai tuyên truyền đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm cho nên ý thức phòng, chống dịch của các hộ dân đều được nâng lên, cộng đồng đồng bào Chăm chấp hành rất tốt các quy định, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Còn xã Châu Phong, thị xã Tân Châu có hơn 1.000 hộ đồng bào Chăm cùng sinh sống.

Chủ tịch UBND xã Châu Phong Võ Thụy Ý Như chia sẻ, cuộc chiến phòng dịch Covid-19 lần này đòi hỏi sự chung tay cả cộng đồng, vì vậy, lãnh đạo UBND xã Châu Phong thường xuyên gặp gỡ đồng bào dân tộc Chăm để thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng mạnh về cơ sở, tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành trong người dân, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi cộng đồng.

Hộ gia đình chị RoHaNy, ngụ ấp Châu Giang, xã Châu Phong kinh doanh hàng tạp hóa. Chị cho biết: "Hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh, gia đình tôi luôn thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi mua bán, căng dây trước cửa hàng để hạn chế khách tập trung đông".

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang Haji Jacky cho biết, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang đã đề nghị Ban quản trị các thánh đường, tiểu thánh đường, chức sắc, chức việc Hồi giáo Islam trong tỉnh tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ mình và tham gia có trách nhiệm với hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Tạm thời ngừng các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người tại các thánh đường, tiểu thánh đường và kể cả ngày lễ thứ 6. Các thánh đường cũng đều đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Bà con dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh đã tích cực chung tay, đồng hành với chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra, dịch đã khiến công việc của một bộ phận không nhỏ người dân bị ảnh hưởng dẫn đến đời sống kinh tế gặp khó khăn. Các hộ dân đã được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang cũng vận động trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đồng bào Chăm vượt qua khó khăn trong dịch bệnh.

Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn nhất và ý thức chấp hành tốt các quy định của đồng bào dân tộc Chăm, dịch Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn và đẩy lùi, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân trên địa bàn.

THANH DŨNG