Đồng bào các tôn giáo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

(Mặt trận) -Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đóng góp, đưa phong trào đạt kết quả tích cực.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Gia đình anh Đinh Văn Hiệp, giáo dân ở xóm 14, xã Trung Môn (Yên Sơn, Tuyên Quang) luôn chung sống thuận hòa, nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa.

Trên địa bàn huyện có 3 tôn giáo được nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin lành với trên 12.808 tín đồ cư trú tại 7 xã trên địa bàn huyện; trong đó chủ yếu là đồng bào Công giáo.

Những năm qua, các tín đồ tôn giáo trong huyện đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Các tín đồ đã đoàn kết, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, đoàn thể phát động như phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng quỹ “Vì người nghèo” theo phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”.

Đồng chí Trần Giang Tuyên, Trưởng phòng Nội vụ huyện cho biết, hàng năm, 99% gia đình tín đồ tôn giáo đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều giáo xứ, họ đạo nhiều năm liền không có người nghiện ma túy, không mắc tệ nạn xã hội, mô hình tự quản về an ninh trật tự trong tín đồ tôn giáo được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Xã Thắng Quân có 2.292 hộ và 8.742 nhân khẩu, trong đó có 225 hộ, 722  nhân khẩu theo đạo Công giáo. Đồng chí Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân cho biết, xã luôn giải quyết kịp thời nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của bà con giáo dân. Nhờ cả hệ thống chính trị luôn quan tâm đến công tác tôn giáo, các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân ở địa bàn luôn tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới, sống "Tốt đời, đẹp đạo", "kính Chúa, yêu nước". Cùng với nhân dân trên địa bàn, những năm qua, 100% hộ dân là giáo dân đã đóng góp tiền, sức lực làm nhà văn hóa thôn, hiến đất mở rộng đường đảm bảo tiêu chí xây dựng NTM.  

Đến thôn Chanh 1, xã Thái Bình, nơi có đến 80% hộ dân là đồng bào công giáo, ai cũng cảm nhận được sự thay da đổi thịt ở nơi đây. Đường làng ngõ xóm rộng rãi, nhiều ngôi nhà mới xây, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Linh mục Giu-se Hoàng Văn Thập của nhà thờ sứ Yên Thịnh, xã Thái Bình bày tỏ, các dịp lễ trọng của bà con giáo dân đều được chính quyền thống nhất với giáo xứ về hình thức, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện. Công tác khuyến học, khuyến tài được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, 100% con em giáo dân trong độ tuổi được đến trường. Hàng năm, tỷ lệ hộ giáo dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa luôn đạt 100%; các hoạt động văn nghệ, thể thao được bà con tích cực hưởng ứng. 

Nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nói chung, đồng bào theo đạo Tin lành nói riêng, xã Kiến Thiết đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tín đồ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Xã hiện có 7 nhóm đạo Tin lành được công nhận hoạt động với trên 400 tín đồ là đồng bào dân tộc Mông. Những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn trong các tín đồ Tin lành của đồng bào Mông giảm đáng kể qua các năm. 2 năm trở lại đây, xã không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào theo đạo. Đời sống được nâng cao, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Chị Vàng Thị Bợ, thôn Làng Un, xã Kiến Thiết vui vẻ nói, thôn chị giờ đây không còn tình trạng người ốm phải cúng ma hay những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, tế lễ mà đã hướng đến cuộc sống văn minh. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được các bà, các chị bảo nhau gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Mỗi khi rảnh, bà con lại cùng nhau hát, múa những điệu múa của dân tộc mình và dạy con cháu cách thêu trang phục truyền thống.

Với phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào tôn giáo trên địa bàn huyện đã đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tích cực thi đua lao động sản xuất. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.   

Thúy Nga