Đồng bào các tôn giáo ở Gia Lai góp sức xây dựng quê hương: Thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”

(Mặt trận) -Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, thời gian qua, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Những kết quả nổi bật trên hành trình giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Linh

Phát huy vai trò người có uy tín ở xã Trung Sơn

 Lãnh đạo Ban tôn giáo tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên chức sắc và tín hữu tin lành sống "tốt đời đẹp đạo", hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống

Tỉnh Gia Lai hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Bahai, với tổng số tín đồ hơn 417 ngàn người, chiếm khoảng 28% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, các cơ sở, tín đồ các tôn giáo tại địa phương an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sống “tốt đời - đẹp đạo”, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.

Chi hội Tin lành Plei Thung Dôr (xã An Phú, TP.Pleiku, thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam) hiện có hơn 800 tín hữu đồng bào Gia Rai. Mục sư Ksor Wôc - Quản nhiệm Chi hội chia sẻ: Bên cạnh việc chấp hành sinh hoạt tôn giáo theo quy định, bà con tín hữu Tin lành còn tích cực hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân xã phát động, hiệu quả sản xuất và đời sống ngày càng khá lên.

 Đồng thời, bà con tín hữu cũng luôn ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật, sống “tốt đời, đẹp đạo”; nắm rõ các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo môi trường sống, sinh hoạt an toàn, lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

 Bà H’Hyan (bên trái) là người thông thạo tiếng dân tộc Ba Na và Gia Rai để tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, nơi có tín đồ sinh sống

Điển hình trong thực hiện đường hướng “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” do Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam đề ra, là bà H’Hyan ở làng Plei Thung Dôr, xã An Phú. Gần 20 năm qua, bà H’Hyan là người phiên dịch cả 2 tiếng dân tộc Ba Na và Gia Rai cho Sở Tư pháp mỗi khi tuyên truyền pháp luật tại cơ sở. Ngoài ra, khi có sự vụ, sự việc nào vi phạm pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS, bà cũng là người phiên dịch, giúp cho 2 bên hiểu rõ thông tin hơn. Không chỉ thế, bà H’Hyan còn tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, bà H’Hyan có hơn 1 ha cà phê cho thu nhập ổn định. Để bà con vươn lên thoát nghèo, bà H’Hyan hướng dẫn bà con thay đổi cách làm, trồng cây cà phê cho năng suất cao.

Bà H’Hyan cho biết: “Chúng tôi thường xuyên dành thời gian để tuyên truyền, vận động tín đồ cùng người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chăm lo cho cuộc sống từ những cây trồng hiệu quả như cây cà phê, lúa… không rượu chè, cờ bạc hoặc tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.

Tại địa bàn huyện Đăk Đoa, nhiều năm qua, mục sư Uyên cũng đã phát huy vai trò Ủy viên Ban đại diện Tin lành tỉnh, quản nhiệm Chi hội Tin lành Kông Brech ở xã A Dơk. Ông luôn tự học hỏi nâng cao trình độ hiểu biết để hướng dẫn bà con tín hữu trong quá trình hoạt động mục vụ.

Mục sư Uyên cho biết: Chi hội Tin lành Kông Brech hiện có hơn 5.000 tín hữu. Hiện nay, đời sống đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Do vậy, cùng với việc vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôi thường xuyên nhắc nhở bà con tín hữu DTTS phải giữ đất sản xuất, định canh định cư, học hỏi làm ăn để nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện đời sống.

Ngoài giờ sinh hoạt đạo, mục sư Uyên thường dành thời gian tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của tín hữu, cùng tập thể Ban Chấp sự chi hội tận tình hướng dẫn bà con thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện phương châm sống “tốt đời - đẹp đạo”, “Kính Chúa yêu nước” và các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào Công giáo và Tin lành nói chung; cũng như các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào có đạo nói riêng, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn; hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

 Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2022. Ảnh: T.D

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tỉnh Gia Lai (giai đoạn 2017- 2022), bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã đánh giá cao việc thực hiện tốt các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng đồng bào có đạo. Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng mong muốn: Các quý vị chức sắc, chức việc, tu sỹ và giáo dân tiêu biểu, với vai trò và uy tín của mình sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp, nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, lan tỏa, phấn đấu ngày càng có nhiều giáo xứ, quý chức sắc, chức việc, nam nữ tu sỹ, giáo dân trên địa bàn tỉnh là những gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Tiếp tục vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng giàu đẹp.

Đức Cảnh