Đồng bào các dân tộc, tôn giáo tỉnh An Giang đoàn kết, đồng lòng chống dịch

(Mặt trận) -Đồng bào dân tộc và tín đồ các tôn giáo trong tỉnh An Giang đã và đang có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng bào dân tộc và tín đồ các tôn giáo luôn chung sức, đồng lòng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào thành quả chống dịch.

Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Chăm lo tạo sinh kế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số

Nho Quan (Ninh Bình): Thực hiện hiệu quả Dự án 1 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thạch Thành phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở xã Khánh Bình (huyện An Phú)

Thời gian qua, An Giang triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân tộc, tôn giáo. Tuyên truyền, vận động đồng bào không nghe theo lời xúi giục của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đảm bảo, tuyến biên giới được giữ vững. Các hoạt động lễ, Tết của đồng bào DTTS được các ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn tổ chức vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra ổn định, tuân thủ pháp luật. An Giang có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, có đường biên giới dài khoảng 100km tiếp giáp Campuchia nên công tác tuyên truyền, vận động cảnh giác trước các âm mưu của thế lực thù địch, đảm bảo quốc phòng - an ninh luôn được chú trọng. Thông qua tuyên truyền và dân vận, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước. Các dịp lễ, Tết, lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp và các tổ chức tôn giáo thăm hỏi, chúc Tết tạo mối quan hệ gần gũi, đoàn kết, gắn bó, thân thiện.

Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở thờ tự chấp hành tốt khuyến cáo của chính quyền không tổ chức sinh hoạt tôn giáo đông người. Giai đoạn giãn cách xã hội, tất cả các cơ sở tôn giáo trong tỉnh đã tạm ngừng mọi hoạt động, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tuyên truyền thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Các tổ chức tôn giáo phát huy tốt vai trò nòng cốt cùng chính quyền tham gia vận động, hỗ trợ người dân, đồng bào có đạo gặp hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc vận động nguồn lực chăm lo Tết cho hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn… với số tiền hơn 122 tỷ đồng; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Các tổ chức tôn giáo đã vận động đồng bào tôn giáo đóng góp, ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng và đang tiếp tục triển khai.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo tỉnh có thư kêu gọi các tổ chức tôn giáo đoàn kết, chung sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch COVID-19. Các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của các tôn giáo, đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; tích cực hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động… Hưởng ứng lời kêu gọi đó, cộng đồng các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp, đồng hành, hỗ trợ lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Tham gia hiệu quả các mô hình, như: “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, “2 An” (an ninh trật tự - an sinh xã hội)... và trực tiếp hỗ trợ suất ăn, nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, ở nơi phong tỏa.

Rất nhiều cá nhân là đồng bào các DTTS Hoa, Chăm, Khmer và bà con tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện góp tiền hoặc huy động người thân, bạn bè chuẩn bị phần ăn phát cho người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật trong thời gian giãn cách xã hội. Thông qua các mối quan hệ, đồng bào các dân tộc còn tranh thủ vận động quyên góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ở địa phương, với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”…

Trong giai đoạn bình thường mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ địa phương tiếp tục vận động bà con chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của địa phương, vận động gia đình có người thân đang làm ăn xa không được tự ý về địa phương khi không được các cấp, ngành cho phép, tránh làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, không nghe theo lời xúi giục của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá công cuộc phòng, chống dịch, gây chia rẽ đại đoàn kết toàn dân tộc; không vượt biên trái phép và kịp thời khai báo người về từ vùng dịch…

Ông A Ly, Trưởng ban Giáo cả, Ban Quản trị thánh đường Chăm xã Khánh Bình chia sẻ: “Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, đa số cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tích cực hưởng ứng các hoạt động, cũng như thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Ban Quản trị thánh đường sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động đồng bào DTTS Chăm chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và tích cực phòng, chống dịch bệnh”.

HH-NT