Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới ở đồng bào vùng giáo Nghĩa Đàn

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào công giáo huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hàm Yên

Lâm Đồng: Hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai giám sát để nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc

Huyện Nghĩa Đàn có hơn 11.000 người dân theo đạo Công giáo, chiếm 7,9% dân số của huyện, phân bố chủ yếu ở 5 xã, thị trấn. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và thực hiện “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào Công giáo huyện Nghĩa Đàn đã đoàn kết, sáng tạo tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội, qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

 Diện mạo NTM đã có nhiều khởi sắc.

Năm 2019, xã Nghĩa Trung vinh dự được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đạt kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tham gia đóng góp, hỗ trợ tích cực của người dân, trong đó có đồng bào theo đạo Công giáo. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng NTM, việc sửa chữa, mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn hay hiến đất làm đường đều được giáo dân tham gia hưởng ứng sôi nổi.

Nghĩa Trung có 2 xứ họ, với hơn 145 hộ sinh sống ở xóm 4 và xóm Trung Thành. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, bà con  giáo dân nơi đây đã tích cực hiến đất, ủng hộ công sức tiền của, hoàn thành các công trình giao thông trên địa bàn. Gia đình giáo dân Lê Quang Lưu là một trong những hộ đi đầu trong phong trào này. Nhận thấy chủ trương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước hoàn toàn đúng, hợp lòng dân nên gia đình đã tiên phong hiến đất, đóng góp 1,2 triệu đồng và ngày công để mở rộng 3 km đường bê tông.

Ông Lê Quang Lưu - người dân xóm Trung Thành, xã Nghĩa Trung cho biết: “Đồng bào lương - giáo trong xóm đều nhận thấy được lợi ích thiết thực khi tham gia thực hiện các hoạt động, phong trào do địa phương phát động, nhất là đồng lòng hưởng ứng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

 Giáo dân Nguyễn Văn Minh ở xóm Bình Minh, xã Nghĩa Lộc là một điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Kể từ khi có “luồng gió” của chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở xã Nghĩa Lộc đã “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Bằng việc lựa chọn hướng đi phù hợp và phát huy được vai trò chủ thể của người dân nên đến cuối năm 2021, xã Nghĩa Lộc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, xã Nghĩa Lộc đã huy động hơn 180 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhân dân đóng góp gần 30 tỷ đồng xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,96%. Vệ sinh môi trường được bảo đảm.

Thành quả ấy không chỉ minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, mà còn nói lên tinh thần đoàn kết lương - giáo của nhân dân trong xã. Xóm Cồn Cả, nơi có khoảng 850 giáo dân thuộc Giáo xứ Cồn Cả đang sinh sống đoàn kết, hòa thuận. Con đường bê tông kiên cố vào tận cổng mỗi hộ dân đã vẽ nên một bức tranh đồng quê yên bình.

 Giáo dân xã Nghĩa Lộc đóng góp xây dựng nhà văn hóa.

Ông Nguyễn Thái Hoàng - Xóm trưởng xóm Cồn Cả, xã Nghĩa Lộc cho biết: “Phát huy tinh thần dân chủ dân biết, dân bàn, dân quyết định và dân kiểm tra, cấp ủy, ban lãnh đạo xóm Cồn Cả đã tổ chức các cuộc họp dân thông báo chủ trương làm đường giao thông. Trên cơ sở đó, bà con công giáo trong xóm chủ động bàn bạc phương án, cách thức triển khai và mức đóng góp. Nhận thức được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, trong năm 2021 bà con giáo dân trong xóm đã “chung sức” đóng góp hơn 200 triệu đồng để làm 1 km đường giao thông, tu sửa kênh mương, mà còn xây dựng được nhà văn hóa với 3 sân bóng chuyền, đảm bảo cho người dân sinh hoạt thuận lợi…”.

Huyện Nghĩa Đàn có hơn 11.000 công giáo chiếm 7,9% dân số huyện, có 5 giáo xứ, 13 giáo họ tập trung tại 5 xã, thị trấn là: Nghĩa Lộc, Nghĩa An, Nghĩa Trung, Nghĩa Hội và thị trấn Nghĩa Đàn. Trong quá trình xây dựng NTM, đồng bào công giáo huyện Nghĩa Đàn đã tự nguyện hiến gần hàng chục nghìn mét vuông đất, tường rào, huy động hàng nghìn ngày công, chặt bỏ hàng nghìn cây, đóng góp khoảng 20 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn, kênh mương, nâng cấp nhà văn hóa cộng đồng. Đến nay, huyện Nghĩa Đàn có 3 xã có đồng bào công giáo sinh sống là Nghĩa Hội, Nghĩa Trung, Nghĩa An đã về đích NTM; xã Nghĩa Lộc đang phấn đấu về đích NTM trong năm 2021.  

 Nhiều tuyến đường giao thông tại các xóm giáo xã Nghĩa Lộc đã được bê tông hóa.

Ông Võ Quang Hòa - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Những kết quả đạt được trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của bà con giáo dân trên địa bàn huyện những năm qua góp phần khởi sắc diện mạo các vùng quê, khẳng định vai trò, trách nhiệm của bà con giáo dân trong xây dựng quê hương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh”.

Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào giáo dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, quan tâm đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, làm tốt công tác an sinh xã hội, đoàn kết giúp nhau cùng vươn lên, xây dựng nếp sống lành mạnh, tiến bộ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Minh Thái