(Mặt trận) -Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông luôn phát huy tinh thần đoàn kết để làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc trên vùng đất Tây Nguyên
Chính quyền, người dân cùng sát cánh
Xã biên giới Quảng Trực (Tuy Đức) có hơn 41 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Xã có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, với 2.727 hộ, 11.391 khẩu; trong đó dân tộc M’nông hơn 3.070 người.
Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, với đặc thù địa bàn rất phức tạp, nên xã luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết là cực kỳ quan trọng. Đoàn kết sẽ góp phần rất lớn vào giữ gìn an ninh biên giới, phát triển kinh tế- xã hội.
|
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực Đoàn Lê Anh động viên đồng bào M'nông chăm lo lao động phát triển kinh tế |
Cũng theo ông Anh, để xây dựng mối đại đoàn kết, Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Trực luôn tập trung định hướng, giúp người dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đồng bào M’nông.
Nhờ đó, người dân ngày càng nhận thức đúng đắn, chăm chỉ làm ăn. Hầu hết bà con không còn mơ tưởng đến những điều viễn vông, không nghe theo những lời xúi giục, những luận điệu của kẻ xấu.
Năm 2012, hơn 100 hộ dân tộc M’nông đã được địa phương hỗ trợ cây giống và “cầm tay, chỉ việc” trồng mắc ca. Đến nay, vườn mắc ca của bà con đã cho thu nhập, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Chị Thị Nớ, Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, cho biết, trước đây, hầu hết đồng bào M’nông có cuộc sống nghèo khó. Nhờ được hỗ trợ phát triển cây mắc ca, gia đình chị và nhiều hộ đã thoát nghèo. Trong đó, riêng gia đình chị thu cả trăm triệu đồng mỗi năm.
"Chúng tôi biết ơn và tin tưởng vào Đảng, chính quyền. Bà con chúng tôi giờ đây cùng đoàn kết, đồng lòng để làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương", chị Nớ cho biết.
Chị Thị Bem, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, được chọn làm điểm mô hình trồng mắc ca và trở thành tỷ phú của bon làng. Mấy năm nay, với 1.000 cây mắc ca, mỗi năm chị thu hoạch khoảng 14 tấn hạt, thu về trên 1 tỷ đồng.
“Gia đình tôi vươn lên được là nhờ sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong những lúc khó khăn”, chị Thị Bem tâm sự.
Đến nay, toàn xã có hơn 1.000 mắc ca, trong đó khoảng 400 ha của đồng bào dân tộc M’nông trồng. Xã triển khai phát triển cây mắc ca đã làm thay đổi nhận thức, nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số.
“Các đối tượng xấu lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để lôi kéo, dụ dỗ người dân nhưng địa phương làm rất tốt nên không có lý do để chống phá. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã làm thất bại âm mưu của các đối tượng. Bà con chăm chỉ làm ăn”, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực Đoàn Lê Anh chia sẻ.
Đoàn kết - Lá chắn “thép”
|
Đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng trau dồi, giữ gìn nghề truyền thống dệt thổ cẩm |
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực Đoàn Lê Anh dẫn chứng: “Trước đây, đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo, nói với người dân ta đi sang nước này, nước nọ sẽ được phong các chức vụ, có thể không làm việc cũng có tiền… Những thông tin đó, chúng ta đã chứng minh. Người dân hiểu rõ rằng không có cơ quan, tổ chức nào không làm việc mà có tiền nên không nghe về vấn đề đó nữa”.
Công tác tuyên truyền vận động quần chúng của các cấp cơ sở, tổ chức chính trị của Đắk Nông đã “đi thẳng” và “bén rễ” vào lòng dân. Nhiều chủ trương lớn của tỉnh được triển khai và nhận được sự chia sẻ, đồng lòng ủng hộ của người dân.
Anh Y Mang, Tổ trưởng tổ dân phố, Phó Bí thư Chi bộ tổ 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: Chúng tôi có nhiều hộ đồng bào dân tộc tại chỗ là M’nông, Mạ có đất mà Dự án Đường đi vào khu di tích lịch sử bon Cây Xoài đi qua. Một số cá nhân lợi dụng trình độ của bà con bàn lùi nhưng chính quyền đã tuyên truyền vận động nên bà con hiểu rõ sẵn sàng hiến đất. Gia đình tôi cũng đi đầu trong việc hiến đất và tháo dỡ hàng rào để dự án sớm triển khai.
Bà Nguyễn Thị Út, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: “Khi tỉnh Đắk Nông triển khai xây dựng Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa cũng có những ý kiến trái chiều. Nhưng chúng tôi hiểu đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần xây dựng thành phố trẻ trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh nên sẵn sàng thực hiện”.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông Hà Thị Hạnh, các đối tượng xấu lợi dụng các vấn đề liên quan đến đất đai, tôn giáo, những sai sót nhỏ nhằm vô cớ bôi nhọ chính quyền. Nhưng tỉnh Đắk Nông đã có những cách làm hợp lòng dân nên các thế lực, đối tượng xấu bị thất bại hoàn toàn.
“Ở tỉnh Đắk Nông, mô hình “Tôi làm công an xã” của Công an Đắk Nông là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh được Ban Dân vận Trung ương công nhận và nhân rộng. Sau 3 năm thí điểm, mô hình khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận đối với xây dựng tình đoàn kết, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, tô điểm hình ảnh công an thân thiện, vì Nhân dân phục vụ trong lòng dân”, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông Hà Thị Hạnh đánh giá.
Đắk Nông ngày càng đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đội ngũ cán bộ, công chức gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, “nói đi đôi với làm”, thực sự là công bộc của Nhân dân.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Đắk Nông tiếp tục đoàn kết thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh Nga