Đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp

(Mặt trận) -Thái Nguyên là một trong những tỉnh có đông đồng bào Công giáo (với trên 30.000 nhân danh, sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở 9 huyện, thành). Với phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn sát cánh với các tôn giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phát động.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 STêphanô Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Một trong những  phong trào được đồng bào Công giáo tích cực tham gia, hưởng ứng là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Theo đó, các giáo dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất bàn giao mặt bằng để làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh; tích cực xây dựng những mô hình kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự tại vùng đồng bào Công giáo sinh sống. Tiêu biểu như: Mô hình khu dân cư “Đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên); mô hình dân vận khéo “Sống tốt đời, đẹp đạo” ở xóm Đồn, xã Bình Thành và xóm Nản, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa)...

Trong cuộc vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đồng bào Công giáo tích cực cùng các tôn giáo khác xây dựng, thực hiện tốt quy ước, hương ước; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; đoàn kết cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa...

Toàn tỉnh đã xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ thực hiện.

Nhiều chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo ngoài làm tròn bổn phận của mình đối với việc đạo còn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân, cùng chung tay gánh vác công việc xã hội, là thành viên tham gia có trách nhiệm trong các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, MTTQ, hội, đoàn thể các cấp và ở khu dân cư.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 46 tín đồ là người Công giáo tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; 251 tín đồ tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; 25 vị tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh…

Ngoài ra, có nhiều chức việc, người Công giáo tham gia vào cấp ủy, bí thư chi bộ, trưởng, phó xóm, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng, phó các chi hội đoàn thể, công an viên ở khu dân cư... đã góp phần phát huy dân chủ, đại diện đem tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào Công giáo kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Thông qua đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động được đồng bào Công giáo tiếp nhận kịp thời và thực hiện tốt.

Cùng với tích cực tham gia các phong trào, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn”, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, phòng, chống dịch COVID-19…

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của từng cá nhân là người Công giáo phải kể đến vai trò quan trọng của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trong việc tổ chức, đường hướng, tập hợp, động viên giáo dân trên địa bàn thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại cộng đồng khu dân cư.

Mặc dù mới thành lập được hơn 5 năm, nhưng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định được vị thế, là cầu nối giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy, đường hướng để đồng bào Công giáo tin tưởng chia sẻ, đồng hành; phản ánh tâm tư nguyện vọng của người Công giáo đến các cơ quan đảng, chính quyền và MTTQ các cấp.

Với những kết quả đáng tự hào đã đạt được, Đại hội đại biểu “Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên ” lần thứ II, nhiệm kỳ 2022-2027, kêu gọi đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên với niềm tin vào Thiên Chúa, sự nghiệp đổi mới và tương lai tươi sáng của đất nước; phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Thái Nguyên anh hùng, ra sức thi đua, đoàn kết cùng nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh, thực hiện đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày càng phồn thịnh.

Stêphanô Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên