Định Hóa: Đưa nước sạch đến với đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Thời gian qua, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (thuộc Dự án 1, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - DTTS&MN). Qua đó, bà con được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

 Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, gia đình bà Ma Thị Gia, người dân tộc Tày, ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) vừa được hỗ trợ téc nước.

Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, gia đình bà Ma Thị Gia, người dân tộc Tày, ở tổ dân phố Bãi Á, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) vừa được hỗ trợ téc nước. Trước đây, gia đình bà là một trong số ít hộ dân ở thị trấn Chợ Chu không đủ điều kiện để tự mua téc nước nên vẫn sử dụng xô, chậu để tích trữ nước sinh hoạt.

Bà Gia chia sẻ: Gia đình tôi sử dụng nguồn nước sạch từ Trạm khai thác và quản lý nước sinh hoạt Định Hoá từ nhiều năm nay. Nhưng cứ vào giờ cao điểm, nguồn nước yếu, chảy rất chậm nên gia đình thường phải tích trữ nước. Vừa qua, được hỗ trợ téc nước, chúng tôi rất phấn khởi vì không còn phải lo tích trữ nước lẻ tẻ bằng xô, chậu, lại không đảm bảo vệ sinh. Giờ đây, dù là vào giờ cao điểm hay sự cố mất điện, cả nhà vẫn có đủ nước để sử dụng trong vòng 1-2 ngày.

Hay như trường hợp của bà Bàn Thị Cầu, người dân tộc Tày, ở xóm Bản Lác, xã Kim Phượng. Là hộ nghèo từ hàng chục năm nay, bà Cầu không có điều kiện để mua téc nước nên vẫn phải sử dụng các loại chum, vại để tích trữ nước sinh hoạt.

Bà Cầu nói: Sử dụng chum, vại để tích trữ nước không thể tránh khỏi việc có loăng quăng, bọ gậy lẫn vào trong nước sinh hoạt, đặc biệt là vào mùa mưa. Đến nay, gia đình tôi đã được hỗ trợ téc nước rất thuận tiện cho sinh hoạt, lại hợp vệ sinh, tránh được ấu trùng lẫn trong nước sinh hoạt.

Ngoài gia đình bà Cầu, vừa qua, xã Kim Phượng có 48 hộ được hỗ trợ téc nước. Theo đánh giá, việc hỗ trợ này đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Qua đây, ý thức về sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh của người dân cũng được cải thiện.

Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng, cho biết: Trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo không có điều kiện mua téc nước thường sử dụng bể xi-măng, chum, vại, xô, chậu… để tích trữ nước sinh hoạt. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên các loại ấu trùng dễ dàng xuất hiện. Nhờ chính sách hỗ trợ téc nước, đến nay, xã Kim Phượng đã có trên 98% hộ dân có phương tiện chứa nước hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo sức khoẻ và sinh hoạt cho người dân.

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, phòng Dân tộc huyện Định Hoá đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cụ thể, toàn huyện có 934 hộ, thuộc 23 xã, thị trấn đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, 881 hộ được hỗ trợ téc nước, 36 hộ được hỗ trợ đào giếng, 15 hộ được hỗ trợ đường ống dẫn nước, 2 hộ được hỗ trợ xây dựng bể chứa nước. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 15,7 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Bính, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Hóa, nhấn mạnh: Hỗ trợ các công trình nước sạch phân tán cho hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số là chính sách hết sức cần thiết, phù hợp với thực tế tại địa phương trong điều kiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Thông qua chính sách này góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi...

Có thể nói, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở Định Hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, được bà con đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Phạm Cường