Điện Biên: Phát huy vai trò của người có uy tín trong xóa đói giảm nghèo

(Mặt trận) -Công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên luôn có những đóng góp không nhỏ của đội ngũ già làng và người có uy tín trong cộng đồng.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Ông Vì A Hao đang đứng lớp truyền dạy chữ Mông cho cán bộ thị trấn huyện Tủa Chùa.

Cùng nhau vươn lên...

Mỗi năm dòng họ Lò ở bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ lại tổ chức họp dòng họ một lần. Ông Lò Văn Inh, trưởng dòng họ cùng những người cao tuổi trong dòng họ mong muốn, thông qua họp dòng họ để tập hợp anh em, con cháu cùng ôn lại truyền thống dòng họ, tổng kết lại kết quả phát triển kinh tế, đánh giá kết quả học tập của con cháu trong dòng họ sau một năm nỗ lực phấn đấu.

Dòng họ Lò sinh cơ, lập nghiệp tại bản Nà Tấu 1, khoảng trên nửa thế kỷ nay. Sinh sống tại địa bàn xã miền núi, điều kiện sản xuất không ít khó khăn, họ đã biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng vươn lên. Đến nay dòng họ này đã phát triển có gần 30 hộ gia đình với trên 150 nhân khẩu. Vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, giáo dục con cháu học hành tiến bộ, dòng họ Lò ở bản Nà Tấu 1 không còn hộ nghèo, không có người mắc vào các tệ nạn xã hội.

“Dòng họ tôi là dòng họ Lò, về đây từ trước năm 1950. Giờ tôi cũng nhiều anh em họ Lò. Tôi thì cũng qua nhiều công tác, về đây thì làm chủ tịch, bí thư, đi huyện thì làm chủ tịch Mặt trận tổ quốc huyện Điện Biên. Tôi được nghỉ hưu năm 1993. Trước đây ở Nà Tấu có 15 hộ thuộc dòng họ Lò của chúng tôi, đến nay phát triển lên 28 hộ, kinh tế phát triển khá”, ông Lò Văn Inh nói.

Ông Lò Văn Inh là trưởng dòng họ và cũng là người được học hành, tham gia công tác xã hội và được anh em, con cháu trong dòng họ Lò tôn trọng, nể phục. Để dòng họ ngày một phát triển, ông Inh không chỉ vận động con cháu trong gia đình tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tiết kiệm để có kinh tế ổn định. Ông còn vận động các hộ gia đình trong dòng họ đóng góp quỹ dòng họ để hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn, hằng năm trích một phần quỹ làm phần thưởng, động viên, khuyến khích con cháu trong dòng họ có thành tích học tập tốt. Dòng họ Lò bản Nà Tấu 1 ngày càng ấm no, thịnh vượng, các thế hệ con cháu trong dòng họ đều được học hành, vươn lên, là niềm vui của ông Lò Văn Inh cũng như toàn thể họ tộc.

 Ông Lò Văn Inh trao thưởng cho con cháu có thành tích cao trong học tập.

“Tôi suy nghĩ, phải tổ chức hội khuyến học để giáo dục con cháu học hành, sau này làm cán bộ, phát triển kinh tế. Giờ đây, quỹ khuyến học của dòng họ có 43 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này sẽ góp phần động viên con cháu tích cực học tập, sau này còn phát triển kinh tế gia đình”, ông Inh nói thêm.

Vận động con cháu làm giàu chính đáng...

Người dân bản Hoong Hin, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên luôn yêu quý, tôn trọng ông Tòng Văn Sương, người đã nhiều năm làm cán bộ xã, về hưu lại làm cán bộ thôn bản. Là người hiểu biết, nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều năm qua ông Sương không chỉ tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong xã, trong bản tích cực sản xuất, làm giàu chính đáng, ông còn vận động người dân đóng góp xây dựng cho cộng đồng. Từ khi về nghỉ hưu, làm cán bộ thôn bản, ông Sương càng gần gũi với bà con nhân dân hơn. Ông vận động bà con bản Hoong Hin đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau.

Những năm gần đây kinh tế các hộ gia đình ở bản Hoong Hin ngày càng đi lên. Hoong Hin đã xóa được nhà ở tạm. Bản chỉ còn 3 hộ nghèo là những người tàn tật, neo đơn. Ông Sương cũng là người làm gương cho bà con dân bản, góp đất làm đường, làm nhà văn hóa, giúp xã Thanh Luông hoàn thành các tiêu chí cứng về xây dựng nông thôn mới. Từ làm đường nông thôn mới đến xây dựng công trình nhà văn hóa bản Hoong Hin, gia đình ông Sương đã góp hàng trăm mét vuông đất vườn, đất ruộng. Bà con trong bản cũng tích cực theo ông góp đất, góp công, làm cho bộ mặt thôn bản thay đổi. Thôn bản có đường giao thông, có nhà văn hóa sạch đẹp, khang trang, đời sống nhân dân ngày một ấm no, có một phần công lao của những người đứng đầu uy tín, tập hợp dẫn lối, chỉ đường như ông Sương.

“Tôi trong bản này đã từ ngày nghỉ hưu từ năm 1993, đến năm 1996 tôi tham gia trưởng bản. Vừa qua tôi cũng đã vận động bà con xã viên xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình. Bà con cũng tự học hỏi nhau phát triển kinh tế. Tôi chuyển sang công tác mặt trận từ năm 2019 đến nay. Mở con đường này ra Nhà nước cho xi với đá, gia đình tôi cũng góp 500 mét vuông đất. Nhà văn hóa này đất cũng có 3 gia đình”, ông Sương chia sẻ.

Với các dòng họ người dân tộc Mông ở huyện vùng cao, người trưởng dòng họ rất được coi trọng. Họ luôn đóng vai trò là người tập hợp, dẫn dắt họ tộc tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, văn hóa, cùng xây dựng cộng đồng, thôn bản giàu đẹp. Ông Vì A Hao sinh sống ở khối Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa là trưởng dòng họ Vì gồm 10 hộ gia đình, sinh sống tại xã Sính Phình và thị trấn Tủa Chùa. Là cán bộ làm công tác giáo dục đã về nghỉ hưu, ông Vì A Hao vẫn luôn giữ cho mình lối sống giản dị, thanh bạch. Nhìn lại 68 năm cuộc đời đã trải, câu chuyện của người đàn ông thâm trầm này cho chúng tôi thấy tấm gương về nghị lực học tập, vươn lên. Ông cũng đã dành cả tấm lòng cho sự nghiệp trồng người của huyện Tủa Chùa nói chung và cho sự phát triển của dòng họ Vì nói riêng.

Ông Vì A Hao tâm sự: “Riêng tôi thì 7 đứa con. Lúc ấy xã hội còn đẻ thoải mái. Lúc ấy khó khăn lắm. Một mình bà ấy đảm đương tất cả các cháu, còn tôi thì vừa đi học vừa phải về đào củ mài. Tôi xuống đây phải đốt gạch làm vôi. Khi ra trường thì một bộ quần áo, lúc về thì một bộ quần áo, đốt gạch, đốt vôi. Lúc huyện mới chuyển xuống đây thì họ dùng gạch, dùng vôi nhiều mới đỡ được một phần. Các con thì tôi nói với chúng nó rằng, ở Sính Phình thì có ruộng, có nương, xuống Mường Báng thì không có ruộng nương nên phải học để đi làm cán bộ thôi, các cháu mới cố gắng học hành thành đạt”.

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc với gần 1.300 người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, được cộng đồng, dòng họ tôn vinh. Họ là những người đã có nhiều cố gắng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Họ cũng là những người dành nhiều công sức, tâm huyết cống hiến cho xã hội, đồng thời xây dựng cộng đồng, dòng họ phát triển tiến bộ, thịnh vượng. Với những nỗ lực và cống hiến của bản thân, họ có vai trò quan trọng, như những bó đuốc sáng, như những người dẫn đường, cùng dòng họ, cộng đồng phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, đậm đà bản sắc.