Điện Biên: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Là tỉnh vùng cao biên giới, tỉnh Điện Biên có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Để giúp ĐBDTTS nâng cao nhận thức về pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, chấp hành pháp luật, thời gian qua tỉnh Điện Biên chú trọng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ĐBDTTS.

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Gặp mặt chức sắc các tôn giáo, người uy tín tiêu biểu, Việt kiều và thân nhân Việt kiều nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021” (Đề án 1163), thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyền truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh”. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chấp hành, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và gia đình; đồng thuận các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Công an huyện Nậm Pồ thường xuyên xuống bản làng tuyên truyền cho người dân về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc

Việc triển khai Đề án đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật trong vùng ĐBDTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới; tạo sự chuyển biến trong nhận thức người dân cũng như chính quyền địa phương, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người dân tộc thiểu số. Cũng trong thời gian qua, ĐBDTTS đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tự giác đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng trong quá trình thực hiện pháp luật, giúp giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội… Đặc biệt, với sự tham gia chủ động của các cấp, trong đó có vai trò không nhỏ của già làng, trưởng bản, người có uy tín các đoàn thể thôn, bản và sự tích cực hưởng ứng của đồng bào tại các thôn, bản trên địa bàn, một số hủ tục lạc hậu đã bị xóa bỏ, các hủ tục khác đang dần biến mất.

 Ngoài nhiệm vụ bảo về vùng biên, cộc mốc các chiến sỹ đồn biên phòng tỉnh Điện Biên còn tích cực vận động người dân thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật

Các nội dung được tuyên truyền chủ yếu là về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án đang đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động Nhân dân tích cực lao động sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để thoát nghèo bền vững; phổ biến những quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của ĐBDTTS, đồng bào vùng biên giới như: Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Quy định pháp luật về đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Hôn nhân & Gia đình; Luật Giao thông đường bộ; Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em… và các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước hiện hành.

Hiện, toàn tỉnh Điện Biên có trên 90 báo cáo viên cấp tỉnh, 225 báo cáo viên cấp huyện, trên 2.000 tuyên truyền viên cấp xã. Điện Biên đã tổ chức hơn 14.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 590.000 lượt người tham dự; 10 cuộc thi thu hút 3.455 lượt người tham gia; thực hiện phát sóng 2.210 lần chương trình PBGDPL trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã và đăng tải, phát 4.212 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật được biên soạn theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu và nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau. Điện Biên duy trì gần 1000 tủ sách pháp luật; ở 113/130 xã có tủ sách pháp luật; các cơ quan, doanh nghiệp, bưu điện, đồn biên phòng, đơn vị trường học có 659 tủ, với 16 đầu sách, tài liệu; cấp phát 1.050 cuốn Bản tin Tư pháp cho tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát miễn phí 81.836 tài liệu tuyên truyền pháp luật; trong đó 17.542 tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, PBGDPL còn được thông qua các hội nghị, cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động tư vấn pháp luật…

 Các nội dung tuyên truyền còn được chuyển hóa thành những vở kịch, chữ viết và tiếng nói dân tộc

Trong công tác PBGDPL, việc lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng là rất quan trọng. Ðối với vùng thấp, dân trí cao hơn thì đi sâu vào tuyên truyền nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư; không sinh con thứ 3; phát hiện tố giác những hành vi vi phạm buôn bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển buôn bán ma túy và các chất gây nghiện...

Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tích cực làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó nâng cao nhận thức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số./.

Duy Linh