“Điểm tựa” quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Là những người được tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp Nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người có uy tín được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Người có uy tín tham gia tuần tra, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia - Ảnh: L.A

Thực hiện chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ năm 2011 đến nay, huyện Hướng Hóa đã có 1.252 lượt người có uy tín được UBND tỉnh công nhận, bao gồm: già làng 848 lượt người; trưởng dòng họ 37 lượt người; trưởng thôn 85 lượt người; cán bộ hưu trí 76 lượt người, người sản xuất giỏi 49 lượt người…

Nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, trong những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú; có cách ứng xử, giải quyết tốt mối quan hệ trong gia đình và cộng đồng xã hội; có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào DTTS, được đồng bào tín nhiệm, người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn vệ sinh môi trường; xóa bỏ hủ tục lạc hậu…

Nhiều người có uy tín đã tham gia ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, cộng đồng.

Sự góp sức của người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương. Bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết, chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đoàn kết dân tộc ở địa phương.

Vận động Nhân dân đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, dòng họ, thôn bản; tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân; vận động đồng bào chống lại các luận điệu phao tin đồn nhảm, mê tín dị đoan, sinh hoạt tín ngưỡng trái với quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng thôn bản, khu dân cư.

Trong phát triển kinh tế, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn vận động đồng bào tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, cây con giống được nhà nước hỗ trợ để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, ổn định đời sống.

Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập bình quân hằng năm đạt từ 50 - 500 triệu đồng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người có uy tín cũng tiên phong hiến đất và vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, dân sinh.

Bằng những việc làm thiết thực, các già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào DTTS đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện trong những năm qua.

Điển hình như các ông Hồ Đối, người có uy tín thôn Hà Thành, xã Tân Thành; Hồ Trần Phú Khe, Trưởng bản Cồn, xã Tân Lập; Pả Ray, Trưởng thôn Bản 2, xã Thuận; Hồ Văn Oi, Bí thư Chi bộ thôn Coóc, xã Hướng Linh; Hoàng Ba Ná, người có uy tín Khối 5, thị trấn Khe Sanh; Hồ Văn Kết, người có uy tín thôn Bản 1 mới, xã Thuận; Hồ Thanh Tam, già làng thôn Trằm, xã Hướng Tân, Hồ Văn Ngôn, người có uy tín thôn Hồ, xã Hướng Sơn; Hồ Trị, người có uy tín thị trấn Lao Bảo; Hồ Văn Hình, Hồ Văn Hòa, xã Hướng Linh…

Người có uy tín trên địa bàn huyện còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động trong dòng họ, người dân trong thôn bản không di cư tự do; tích cực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Nhiều già làng, trưởng bản, người uy tín đã tích cực phối hợp với các tổ chức cơ sở xây dựng hương ước, quy ước của làng, bản phù hợp theo các chuẩn mực văn hóa, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng lưu giữ và phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ khẳng định, với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở cơ sở; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Nhiều người có uy tín tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết tham gia công tác ở cơ sở, nhất là công tác hòa giải và đóng góp thiết thực vào các hoạt động, phong trào ở địa phương; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của Nhân dân đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết… Họ thực sự là “điểm tựa” đáng tin cậy, là cầu nối giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.

Lê An