Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên

(Mặt trận) -Những năm qua, cùng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tích cực phối hợp cấp ủy Ðảng, chính quyền các xã biên giới tuyên truyền, vận động hỗ trợ giúp đỡ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xã hội. Công tác này đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân, tăng cường khối đại đoàn kết quân với dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pò Mã (huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn) giúp nông dân thu hoạch lúa mùa sớm. 

Những ngày giữa thu, ở xã biên giới Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), người dân đang tất bật chăm sóc cây trồng vụ hè thu và vui mừng khi được Ðồn Biên phòng Ba Sơn (Cao Lộc) phối hợp chính quyền xã tới hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ 1.000 cây giống trà hoa vàng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ba bám, bốn cùng với dân bản

Là một trong những gia đình được hỗ trợ cây giống, anh Dương Trùng Lỷ, ở thôn Co Loi, xã Mẫu Sơn phấn khởi nói: Gia đình tôi là hộ cận nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Tôi rất vui khi được Ðồn Biên phòng Ba Sơn và chính quyền xã hỗ trợ cây giống trà hoa vàng; đây là cơ hội để gia đình phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ trồng và chăm sóc cây thật tốt.

Ông Lương Văn Lan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mẫu Sơn cho biết: Trà hoa vàng là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng trên địa bàn xã. Năm 2021, Ðồn Biên phòng Ba Sơn phối hợp chính quyền xã hỗ trợ 1.000 cây giống trà hoa vàng cho 10 gia đình. Qua thời gian trồng và chăm sóc, cây phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân. Năm nay, nhằm nhân rộng mô hình trồng cây trà hoa vàng, Ðồn Biên phòng Ba Sơn và chính quyền xã Mẫu Sơn tiếp tục phối hợp mua cây giống trà hoa vàng tặng các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ðơn vị còn tổ chức tập huấn phương pháp trồng, chăm sóc cây trà và động viên người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế vườn rừng, vươn lên làm giàu chính đáng.

Không chỉ Ðồn Biên phòng Ba Sơn, các đồn biên phòng Pò Mã, Quốc Khánh (Tràng Ðịnh) thường xuyên phối hợp cấp ủy, chính quyền khảo sát địa bàn, xây dựng kế hoạch và giải pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng, điều kiện của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của nhân dân.

Trung tá Ðỗ Văn Phúc, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Pò Mã cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ người dân, tránh tình trạng hô hào, không thực chất, đơn vị đã thành lập các tổ, đội công tác cử cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống địa bàn, thực hiện "Ba bám, bốn cùng" (ba bám là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; bốn cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), trực tiếp cùng người dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Ðơn vị đã phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành nghiên cứu đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

Từ năm 2020 đến nay, Ðồn Biên phòng Pò Mã đã phối hợp giúp xây dựng một ngôi nhà cho hộ nghèo trị giá 50 triệu đồng; khảo sát, giúp một gia đình nghèo trồng 1.200 cây quế; tổ chức thăm hỏi, tặng quà , trị giá hơn 100 triệu đồng cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tham gia làm được 170m đường giao thông; lắp 21 bóng đèn thắp sáng đường thôn... Từ nguồn tăng gia sản xuất, sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", giúp sáu em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn mỗi cháu 500 nghìn đồng/tháng và tiếp nhận hai cháu học sinh làm con nuôi đồn biên phòng, bảo đảm nơi ăn, chỗ ở, phân công cán bộ kèm cặp học tập...

Ðồng chí Nông Văn Ðức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quốc Khánh cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pò Mã thường xuyên xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội các thôn bản giáp biên; tổ chức lực lượng bám nắm địa bàn, tham mưu, làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân theo phương châm "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin" và tích cực giúp đỡ nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống của cư dân biên giới ngày càng được cải thiện. Nhân dân tin tưởng, luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng giữ vững đường biên mốc giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Khơi dậy sức dân vùng biên

Khu vực biên giới của tỉnh do Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn phụ trách gồm 21 xã, thị trấn, với gần 70 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao… Nhiều năm qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền khu vực biên giới tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Ðại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, các đồn biên phòng đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi... Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp ra mắt mô hình "Tổ hợp tác chăn nuôi gà 6 ngón" tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình); mô hình chăn nuôi gà ri lai tại xã Tam Gia (huyện Lộc Bình); mô hình phát triển vườn cây ăn quả "hồng vành khuyên" ở xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng)… Ngoài ra, các đồn biên phòng đã tặng người dân ở khu vực biên giới hơn 23.500 cây giống; thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người.

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được 20 công trình dân sinh, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, gồm: 2,5km đường bê-tông nông thôn; ba nhà mái ấm nơi biên giới; giúp sửa chữa năm nhà cho hộ gia đình chính sách; tặng 5.400 cây giống cho 78 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn... Những nỗ lực này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao đời sống cho đồng bào khu vực biên giới.

Ông Hoàng Ðăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh bày tỏ: Nhờ được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh, người dân ở các xã giáp biên đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng bản làng biên giới ngày một khởi sắc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Giai đoạn năm 2016 đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực biên giới giảm từ gần 40% xuống còn khoảng 15%. Ðến hết năm 2021, trên địa bàn năm huyện biên giới đã có chín xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45%) và có 82/156 thôn, bản giáp biên đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.

Ðại tá Trịnh Hữu Tăng, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định: Hằng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong trào, như: "Nâng bước em tới trường"; "Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương"; "Áo ấm mùa đông biên giới", "Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới"... Ðảng ủy, chỉ huy các đồn biên phòng phối hợp Ðảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn biên giới xác định các công trình, phần việc trọng tâm để đưa vào kế hoạch phối hợp lãnh đạo, triển khai; đồng thời báo cáo Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện ủy biên giới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Các đồn biên phòng tăng cường tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực, sự tham gia hỗ trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị và công sức, vật chất của bộ đội để xây dựng, nâng cấp các công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ thiết thực cho đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Trong thời gian tới, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng bám chắc địa bàn, tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng người dân; chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác định hướng, hỗ trợ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Bài và ảnh: HÙNG TRÁNG, TOÀN VI