(Mặt trận) -Với gần 42% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) như K’Ho, Châu Mạ, Hoa, Nùng, Chu Ru, Sán Dìu, Ra Glai, Tày, Mường...; những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng luôn được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, các dân tộc anh em luôn đoàn kết, thống nhất gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
|
Di Linh thường gắn các lễ hội để duy trì văn hóa cồng chiêng của người dân tộc bản địa |
BẢO TỒN TỪ GIA ĐÌNH
Chúng tôi về thôn Bảo Tuân, xã bảo Thuận, nơi có 195 hộ dân, trong đó, người đồng bào dân tộc K’Ho chiếm 60%. Ở đây, hầu hết người dân vẫn còn duy trì nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm,... của cha ông để lại. Những ngày nông nhàn, bà con trong xóm lại quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa tranh thủ cho ra những sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu của cuộc sống.
Trải qua hơn 60 “mùa rẫy”, nhưng đôi bàn tay thoăn thoắt của bà Ma De - người gắn bó với nghề đan lâu nhất ở thôn Bảo Tuân vẫn tự tay làm từng các công đoạn để tạo ra sản phẩm. Bà Ma De tâm sự: “Nghề đan lát của đồng bào dân tộc K’Ho có từ rất lâu rồi. Từ xa xưa cuộc sống hàng ngày của bà con gắn liền với làm nương, làm rẫy nên cần nhiều nông cụ để sinh hoạt, sản xuất. Người K’Ho đan lát quanh năm, hơn nữa trong gia đình, đan lát là việc của cả đàn ông lẫn phụ nữ, đàn ông phải biết đan gùi còn đàn bà thì đan sớp cơm, túi xách... nên từ bé tôi đã được ông bà, bố mẹ truyền dạy lại”.
Còn với ông K’Bêng (67 tuổi), một người đan gùi “chuyên nghiệp” ở thôn Bảo Tuân, ông có thể đan hoàn thành bằng tay được 2-3 chiếc gùi trong hai ngày. “Tôi cũng có tuổi rồi, nên mấy năm nay chỉ cố gắng dạy cho các con, cháu trong nhà cũng như trong thôn nắm bắt được kỹ thuật đan gùi, lưu giữ lại cái nghề cũng như phong tục truyền thống bao đời cha ông để lại” - ông K’Bêng chia sẻ.
Có tuổi đời lâu hơn một chút, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca và Chèo xã Hòa Ninh được thành lập từ năm 2014 với 22 thành viên ở thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Trung Thư - thành viên của CLB chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra ở những vùng quê mà văn hóa dân ca, chèo, chầu văn,... đậm đà, nên khi vào vùng kinh tế mới, hành trang của mỗi người đều thấm đẫm nét văn hóa đó. Thời gian đầu mới vào, ai nấy đều phải tập trung xây dựng kinh tế nên chưa có điều kiện để phát triển đời sống tinh thần. Bây giờ, khi đời sống đã thoải mái hơn, chúng tôi có điều kiện để làm sống lại bản sắc của quê hương. Chúng tôi thành lập CLB, không chỉ để thỏa mãn đam mê, mà còn muốn con cháu lưu giữ văn hóa truyền thống cho mai sau”.
NHIỀU GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Bên cạnh giải pháp bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc trong từng gia đình, huyện Di Linh đã phát huy được vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động mọi người dân tham gia nhiệm vụ này.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh: Công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc được UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thực hiện. Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị nên kết quả đạt được khá khả quan. Từ năm 2017 đến năm 2021, trên địa bàn huyện đã tổ chức 9 lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng, duy trì vào tạo điều kiện hoạt động của 27 đội; trong đó có 2 Đội cồng chiêng của người Mường tại xã Tân Lâm và Hòa Nam, 3 CLB cồng chiêng tại 3 xã Hòa Nam, Đinh Lạc, Tân Nghĩa...
Để tiếp tục đẩy mạnh và duy trì các giá trị văn hóa của người dân tộc bản địa, huyện Dinh Linh cũng đã tổ chức mở 6 lớp học dạy tiếng K’Ho cho 355 cán bộ, công chức của huyện. Hàng tuần, vào buổi sáng và chiều Chủ nhật, phát sóng bản tin tiếng K’Ho trên sóng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện; Trạm truyền thanh các xã.
Ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh cho hay: “Văn hóa các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam thống nhất và phong phú. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng khơi dậy lòng tự hào và trân trọng để người dân biết yêu, biết bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các hội thi, hội diễn. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để khuyến khích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống truyền dạy lại cho thế hệ trẻ”.
Nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa DTTS, thời gian tới, huyện Di Linh tập trung vào việc phát huy vai trò người uy tín nhằm khơi dậy bản sắc văn hóa DTTS đến với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS cấp xã, thị trấn. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa các DTTS với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới; có chính sách khuyến khích nhằm xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống đồng bào DTTS... Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Di Linh.
THU HIỀN