Để tiếng cồng chiêng Vân Kiều ngân xa

(Mặt trận) -Cứ vào mỗi dịp địa phương có những sự kiện hay lễ hội trọng đại hoặc liên hoan văn hóa thì các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn góp mặt để biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng người Vân Kiều trên dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Với niềm đam mê vô bờ cùng kinh nghiệm dày dặn và ước vọng cồng chiêng được lưu truyền mãi mãi, những thành viên trong CLB đang sát cánh bên nhau để gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Các thành viên CLB cồng chiêng thị trấn Lao Bảo biểu diễn trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Khát vọng đam mê

Thành lập từ năm 2010, suốt 11 năm qua, cứ mỗi tháng một lần, các thành viên CLB Cồng chiêng thị trấn Lao Bảo cùng nhau tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng, khi thì ở khóm Ka Tăng, khi thì ở khóm Khe Đá, khi lại vào tận khóm Ka Túp để tập luyện với những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Vân Kiều như: Cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... Đàn ông say sưa theo nhịp cồng, nhịp chiêng, nhịp trống, phụ nữ thì uyển chuyển trong từng động tác múa, thi thoảng, những tiếng hây... hây... hây được cất lên đồng loạt bằng sự chỉ huy của người cầm trịch... Cứ như vậy, họ miệt mài tập luyện cho đến khi mảnh trăng cuối tháng gác trên đầu núi phía dòng sông biên giới Sê Pôn, họ mới chia tay nhau về nghỉ để ngày hôm sau đi nương, đi rẫy.

Ông Hồ Ăm Liêm, 87 tuổi, ở khóm Khe Đá, phụ trách CLB cồng chiêng thị trấn Lao Bảo chia sẻ: “Với cộng đồng người dân tộc thiểu số Vân Kiều thì cồng chiêng là một báu vật vô cùng thiêng liêng, là phương tiện để cộng đồng bản làng giao lưu với nhau và cả với linh hồn những người đã khuất, đồng thời đây chính là sợi dây nối kết với các đấng thần linh. Cồng chiêng đã có từ rất lâu đời và ăn sâu trong mọi sinh hoạt của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Ở bản có chuyện vui hay hôm gia đình ai đó có chuyện buồn, lúc nhàn rỗi hay khi khó khăn, khi ông trời cho mưa gió thuận hòa hay lúc mùa rẫy bị chuột, sâu bệnh phá hoại... thì tiếng cồng chiêng vẫn được cất lên theo lễ cúng của thầy mo trong bản. Vì thế, cồng chiêng chính là di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Vân Kiều”.

Thông thường, trong một tiết mục biểu diễn múa cồng chiêng của người Vân Kiều được chia thành 2 bộ phận được phân công rõ ràng. Đàn ông sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, còn phụ nữ thì múa phụ họa. Dàn nhạc cụ trong biểu diễn múa cồng chiêng cũng khá đa dạng, bao gồm: Thanh la (Pờrana), chiêng núm (cuông), trống (xầng crờ), khèn... Ngoài ra, trong nhịp múa cồng chiêng của người Vân Kiều còn có một đạo cụ không thể thiếu, đó là xà rờ, đây là đạo cụ dùng trong lễ hội đâm trâu và mừng lúa mới. Xà rờ được thiết kế từ một cây tre vừa tay cầm dài khoảng 2,5-2,8 mét, phần trên là 2 nẹp tre được uốn hình vòng cung, nối qua 2 sợi dây gai buộc chéo đối xứng nhau, chính giữa là 1 ống cây, bên trong là những lục lạc bằng gỗ cứng, sao cho khi vận động thì xà rờ phát ra những âm thanh lóc cóc tạo cho không khí lễ hội thêm phần nhộn nhịp.

Bởi vì lẽ đó, mỗi khi biểu diễn tiết mục múa cồng chiêng thì công tác chuẩn bị khá mất thời gian. Tuy nhiên, với các thành viên trong CLB cồng chiêng thị trấn Lao Bảo thì chỉ cần được biểu diễn để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình là họ vui lắm rồi, còn việc được bồi dưỡng bao nhiêu, mọi người không quan trọng.

Mong mỏi văn hóa cồng chiêng đừng bị mai một

Quân số của CLB không cố định nhưng những người tham gia đều đã gắn bó lâu năm với các loại nhạc cụ hay điệu múa, trong khi thế hệ trẻ bây giờ ít quan tâm đến nhạc cụ và điệu múa truyền thống. Bà Hồ Thị Lim, 80 tuổi, ở khóm Khe Đá, người biết và hiểu nhiều điệu múa cồng chiêng chia sẻ trong tâm trạng trầm buồn: “Mình lo mai này sẽ không có người kế tục múa cồng chiêng vì nhiều người biết đánh cồng, chiêng, thổi khèn bè, hát dân ca, quen điệu múa... của đồng bào dân tộc Vân Kiều hầu hết đã già. CLB luôn có từ 20 đến 24 người nhưng thanh niên tham gia ít lắm”.

Văn hóa dân gian vật thể hay phi vật thể đều giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật của mỗi cộng đồng người. Văn hóa cồng chiêng của người Vân Kiều cũng không thể ngoại lệ. Để văn hóa cồng chiêng của cộng đồng dân tộc Vân Kiều “sống” được trong dòng chảy văn hóa hiện đại thì công tác truyền lại cho thế hệ sau là vô cùng quan trọng.

Bà Võ Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo phụ trách về văn hóa, xã hội cho biết: “Việc thành lập CLB cồng chiêng thị trấn Lao Bảo là cụ thể hóa nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy thị trấn Lao Bảo về công tác bảo tồn, gìn giữ sự đa dạng của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để truyền lại cho thế hệ sau thì phải có những chính sách cụ thể để làm sao những người tham gia CLB có được nguồn thu nhập nhằm hỗ trợ một phần cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” của họ. Trước mắt, UBND thị trấn Lao Bảo vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của CLB trên tinh thần sự đam mê của các thành viên và sẽ tìm ra những giải pháp hữu hiệu để “truyền nghề” cho thế hệ trẻ”.

Thời gian đi qua, cuộc sống hiện đại đang diễn ra với sự xuất hiện của nhiều loại nhạc cụ mới đã làm cho thế hệ trẻ mai một với văn hóa, nhạc cụ truyền thống, song bằng niềm đam mê của mình, những lớp người cao tuổi vẫn đang kiên trì gìn giữ và truyền dạy những tiếng cồng, nhịp chiêng, điệu múa... cho thế hệ mai sau. Bởi, mỗi tiết mục cồng chiêng với những giai điệu trầm hùng và khoáng đạt, trữ tình và nồng nàn từ các loại nhạc cụ sẽ góp phần chuyển tải ước mong cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng thêm yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc của cộng đồng dân tộc Vân Kiều.

Nguyễn Thành