Để không ai bị bỏ lại phía sau…

(Mặt trận) -Cùng với thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, MTTQ các cấp trong tỉnh Đồng Nai còn phối hợp tổ chức rà soát các trường hợp khó khăn, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, trực tiếp đến trao tặng những phần quà nghĩa tình, thực hiện tốt phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” và “không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do đại dịch”…

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai và H.Long Thành tặng quà đồng bào Chăm khó khăn do đại dịch tại xã Bình Sơn.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai Cao Văn Quang cho biết, việc rà soát, nắm chắc không bỏ sót đối tượng đã khẳng định công tác an sinh xã hội của tỉnh được thực hiện một cách bài bản, có hiệu quả. Những phần quà nghĩa tình đều đến đúng địa chỉ cần hỗ trợ. Qua đó, tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trong việc nỗ lực chăm lo cho nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch.

* Đoàn kết giữ vững “vùng xanh”

Ông Đào Văn Tý, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ở xã Xuân Mỹ (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Nhờ ơn Đảng, chính quyền, người Chơro có cuộc sống tốt hơn. Nếu 5 năm trước vẫn còn nhiều hộ đồng bào nghèo thì hiện nay, 160 hộ dân trong làng dân tộc Chơro ở xã Xuân Mỹ đều có cuộc sống ổn định. Trong đại dịch Covid-19, đồng bào đoàn kết, thực hiện tốt các nguyên tắc phòng dịch, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết và đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch nên đã góp phần để Xuân Mỹ giữ vững “vùng xanh” an toàn”.

Còn già làng Điểu Phiểm, người có uy tín của làng dân tộc S’tiêng ở xã Tân Hiệp (H.Long Thành) cho biết, làng dân tộc S’tiêng xã Tân Hiệp hiện có 157 hộ đều có cuộc sống ổn định, không còn hộ nghèo, chỉ có 2 hộ cận nghèo. Đối với những hộ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đều được Đảng ủy, chính quyền, MTTQ xã và các cấp quan tâm, tặng nhiều phần quà, giúp đồng bào yên tâm thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch.

Đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn đoàn kết, tin theo Đảng, nêu cao cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật. Ông Đào Văn Được, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro ở xã Phước Bình (H.Long Thành) bày tỏ: “Chúng tôi động viên người dân chỉ tin tưởng vào các kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước; cảnh giác cao với các luận điệu xuyên tạc. Đoàn kết cùng nhau giữ vững “vùng xanh” an toàn trên địa bàn”.

* Quan tâm đến đối tượng yếu thế

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai Cao Văn Quang, cùng với việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch như thăm, tặng các túi quà an sinh, quà đại đoàn kết, Ủy ban MTTQ còn phối hợp với các ngành quan tâm đời sống đồng bào dân tộc, các tôn giáo và đối tượng yếu thế như lao động tự do… “Để thực hiện đúng chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh khảo sát, thăm và tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 17 làng dân tộc trong tỉnh. Việc làm này vừa động viên đồng bào tiếp tục đoàn kết chung tay đẩy lùi dịch bệnh, vừa củng cố niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp”- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nhấn mạnh.

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơro ở xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai Cao Văn Quang cho rằng, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh luôn bố trí nguồn lực phù hợp đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Nhờ việc quan tâm, chăm lo tốt đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số nên hầu hết các làng dân tộc tại các huyện: Long Thành, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu đều giữ được các “vùng xanh” an toàn, góp phần sớm đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”.

Cùng với đó, công nhân lao động tại các khu nhà trọ, các đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người yếu thế được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Tại ấp 6, xã Bình Sơn (H.Long Thành) - ấp có 118 hộ đồng bào dân tộc Chăm, là “vùng đỏ” vì có một số trường hợp F0 là những lao động thuê trọ nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây đã nhiều lần tổ chức đến tặng quà, hỗ trợ người dân.

Ông Do Hussen, Giáo cả thánh đường Hồi giáo tại xã Bình Sơn cho hay, xung quanh làng dân tộc Chăm có rất nhiều khu công nhân nhà trọ, khi dịch xuất hiện ở khu vực này, cán bộ các cấp không quản hiểm nguy hỗ trợ đồng bào chống dịch. “Các tổ y tế lưu động, lực lượng tuyến đầu đã khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm; tổ thông tin tuyên truyền hỗ trợ người dân các biện pháp phòng dịch an toàn; tổ an sinh cung cấp các phần quà, hỗ trợ khó khăn nên 118 hộ dân trong làng dân tộc đều yên tâm giãn cách phòng, chống dịch” - ông Do Hussen nói.

Được nhận quà từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai, bà A Ty (dân tộc Chăm, ngụ ấp 6, xã Bình Sơn) cho biết, trong đợt dịch lần này, gia đình bà đã 4 lần được nhận quà do các cấp, các ngành hỗ trợ phòng, chống dịch. “Dù khó khăn hơn lúc bình thường nhưng gia đình tôi yên tâm vì luôn có cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành đồng hành, hỗ trợ khó khăn. Tôi tin rằng, với truyền thống đoàn kết, làng dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn nói riêng và toàn tỉnh sẽ chiến thắng đại dịch”- bà A Ty cho biết.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Khang cho hay, qua theo dõi từ các kênh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.250 trường hợp F0 là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu trong lực lượng công nhân lao động các khu nhà trọ ở Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành, Biên Hòa… Trên tinh thần “không để ai thiếu đói, khó khăn do đại dịch”, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận tỉnh Đồng Nai và các địa phương nắm chắc đối tượng, tổ chức quan tâm mọi mặt đời sống lực lượng này. “Đến nay, thông qua 208 người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đã có hàng ngàn phần quà gồm: gạo, nhu yếu phẩm khác hỗ trợ đến công nhân lao động là người dân tộc và con em của họ. Về cơ bản không có trường hợp đồng bào dân tộc bị thiếu đói”- ông Khang khẳng định.

Đến nay, ngoài các chương trình hỗ trợ về an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương tổ chức trao tặng gần 1 ngàn phần quà (300 ngàn đồng/phần) cho đồng bào các dân tộc thiểu số, công nhân các khu nhà trọ là người dân tộc thiểu số. Qua việc tặng quà còn nắm cụ thể đời sống của đồng bào dân tộc, công nhân lao động để tiếp tục có đề xuất hỗ trợ giúp đồng bào yên tâm phòng, chống dịch.

N.Hà