Đầu tầu” ở những xóm nghèo

(Mặt trận) -Nhiều xóm đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được biết đến là những nơi có nhiều “cái nhất”: Xa trung tâm xã nhất, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhất, nhiều hộ nghèo nhất... Nhưng mấy năm trở lại đây, bà con vẫn sẵn sàng hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp tiền để làm những công trình công ích. Để có được kết quả trên, ngoài sự đồng lòng của nhân dân thì có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng xóm.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Nhà văn xóm Lũng Cà, xã Thương Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên được xây dựng với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại do nhân dân đối ứng.

Cuối năm 2019, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên phát động xây dựng nhà văn hoá xóm với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Tưởng chừng sẽ khó huy động người dân xóm Khuổi Mèo đối ứng kinh phí để xây dựng, bởi cuộc sống của bà con còn quá khó khăn: Xóm hiện có 118 hộ với hơn 600 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại thời điểm xây dựng Nhà văn hoá xóm vẫn chiếm gần 100%. Thế nhưng, ngay sau khi được tuyên truyền, vận động, bà con trong xóm đã đối ứng mỗi hộ 1,6 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá.

Dẫn chúng tôi đi thăm Nhà văn hoá mới khang trang, rộng rãi với 200 chỗ ngồi, được xây dựng với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại người dân đối ứng), anh Vương Văn Hình, Trưởng xóm Khuổi Mèo tâm sự: Lúc đầu triển khai, tôi cũng khá lo lắng bởi các hộ dân trong xóm đa phần thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với mong muốn có một nơi sinh hoạt chung khang trang, sạch sẽ, tôi đã cùng với đại diện các đoàn thể của xóm tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp đối ứng, giải thích cho mọi người hiểu về ý nghĩa của việc xây dựng Nhà văn hoá. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con thay đổi nhận thức, tất cả các hộ dân trong xóm đều tham gia đối ứng tiền.

Cũng giống như xóm Khuổi Mèo, cuộc sống của đồng bào DTTS (Mông, Dao, Tày) tại xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung cũng còn gặp không ít khó khăn. Đến đầu năm nay, xóm vẫn còn 18/47 hộ nghèo và 17/47 hộ cận nghèo. Mặc dù vậy, từ năm 2018 đến nay, bà con đã đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ để làm 300m đường trục xóm; đối ứng 4 triệu đồng/hộ để xây dựng Nhà văn hoá xóm và hiến trên 1.000m2 đất để làm 2 công trình trên.

Để người dân chung sức ủng hộ có vai trò không nhỏ của Trưởng xóm Ma Hành Du. Anh Du cho biết: Ngay sau khi có chủ trương của xã về huy động sức dân trong xây dựng Nhà văn hoá xóm và bê tông hoá 300m đường trục chính, xóm tổ chức lấy ý kiến các hộ dân. Chúng tôi tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức khác nhau từ các buổi họp xóm, trên loa truyền thanh cho đến việc mời những người đã đồng thuận đi cùng đến từng nhà để giải thích cho người dân hiểu. Sau khi được tuyên truyền, bàn bạc công khai, dân chủ, người dân đều đồng tỉnh. Cả xóm chỉ có 2 hộ được miễn do quá tuổi lao động.

Gia đình ông Trương Văn Sinh, người dân trong xóm đã tự nguyện hiến trên 600m2 đất, đóng góp 5,5 triệu đồng để hoàn thiện tuyến đường và xây dựng Nhà văn hoá. Ông Sinh chia sẻ: Mặc dù gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, thiếu đất sản xuất, song nghĩ đến lợi ích lâu dài của tuyến đường, Nhà văn hoá mang lại nên khi anh Du đến tuyên truyền, tôi đồng ý ngay.

Câu chuyện hộ nghèo đối ứng tiền để xây dựng nhà văn hóa không chỉ có ở xóm Lũng Cà mà ở nhiều xóm trên địa bàn xã Thượng Nung. Là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2020 còn 255/573 hộ. Mặc dù vậy, từ năm 2018 đến nay, khi xã phát động phong trào xây dựng nhà văn hoá xóm theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” người dân đã nhiệt tình tham gia đối ứng. Qua đó, 7 nhà văn hoá của 7 xóm đã được xây dựng khang trang, sạch, đẹp theo chuẩn nông thôn mới.

Trung bình mỗi nhà văn hoá xóm có giá trị từ 320-420 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ từ 135-150 triệu đồng/một nhà văn hoá, còn lại do nhân dân đối ứng từ 2 - 4,6 triệu đồng/hộ.

Bà Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung cho biết: Có được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ trưởng xóm. Họ vừa là người tuyên truyền, vận động vừa tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện. Đối với công trình nhà văn hoá, trưởng xóm còn là người đại diện ký hợp đồng với UBND xã để tổ chức thi công.

Vũ Công