“Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Lâm Đồng

(Mặt trận) -Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, công tác dân vận cũng được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhận thức một cách sâu sắc và phối hợp đồng bộ, đồng thời, có sự tham gia tích cực của người dân. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều Mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp cuộc sống của bà con Nhân dân có nhiều khởi sắc.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Bà con đồng bào DTTS phấn khởi với các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả

Là địa phương có 47 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 25%, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và công tác vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững luôn được tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm. Cùng với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các cấp, các ngành của tỉnh đã lồng ghép các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống công tác dân vận triển khai có hiệu quả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” với cách làm hay, ý tưởng sáng tạo đã thực sự cho thấy vai trò là cầu nối ý Đảng - lòng dân của công tác dân vận, tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng. 

Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và nhân rộng được 3.575 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều tấm gương, mô hình, điển hình “Dân vận khéo” làm kinh tế giỏi của đồng bào DTTS đã được tôn vinh, ghi nhận và đánh giá cao với thu nhập bình quân hàng năm từ 200 - 450 triệu đồng, giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS tại chỗ. Có thể kể đến như anh K’Brooke - người dân tộc K’Ho ở xã Gung Ré, huyện Di Linh đã phát triển mô hình nông nghiệp truyền thống nuôi heo đen, lập trang website Koho.vn để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS Tây Nguyên với tổng doanh thu khoảng 450 triệu/năm; hộ gia đình chị Cơliêng Rolan - người dân tộc K’Ho, xã Lát, huyện Lạc Dương với mô hình khởi nghiệp thành công về sản phẩm cà phê sạch “K’Ho Coffee”,...

Đặc biệt, Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo” do UBND tỉnh triển khai đã được tất cả các sở, ngành cấp tỉnh, Mặt trận đoàn thể và các địa phương trong tỉnh đồng lòng hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả. Các ngành phối hợp với địa phương cơ sở khảo sát, lựa chọn các hộ nghèo có nguyện vọng và chủ động đăng ký nội dung hỗ trợ phù hợp để lập danh sách hỗ trợ sinh kế cụ thể. Từ đó khơi dậy tính chủ động, tự chủ trong việc tạo sinh kế cho bản thân và gia đình của bà con DTTS. Nhiều hộ dân đã có cuộc sống và thu nhập ổn định nhờ được hỗ trợ vốn và kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, chăn nuôi trong chuồng trại, trồng lagim,... 

Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhờ “Dân vận khéo” mà đời sống của đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Nhận thức của người dân đã từng bước thay đổi, biết tận dụng đất đai, lao động, ứng dụng công nghệ cao cùng các điều kiện khác để đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng về giống cây trồng, vật nuôi; giảm bớt tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ hỗ trợ của Nhà nước.

Không chỉ đầu tư phát triển sản xuất, tại các vùng đồng bào DTTS của tỉnh, nhiều hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã biết phát huy các giá trị văn hoá, ngành nghề thủ công của dân tộc mình để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá gắn với kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế địa phương, như các câu lạc bộ cồng chiêng, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống, đồ trang sức... Phong trào “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực trong việc xóa bỏ dần các hủ tục; thực hiện nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hoá của từng dân tộc. 

Hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, ngành, đồng bào DTTS cũng phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với chính quyền địa phương, bà con chủ động hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, xây dựng cảnh quan môi trường,... Từ đó góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 75/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 45/49 xã và 80/129 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III.

Tại hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc, dân vận ở vùng đồng bào DTTS do Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức hồi tháng 11, đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng khẳng định, để đạt được những kết quả trên, việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc đầu tư, hỗ trợ đối với vùng đồng bào DTTS phải tránh trùng lặp, chồng chéo, khoảng trống giữa 3 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Các lực lượng làm công tác dân vận cần có sự phối hợp đồng bộ, tập trung hướng các hoạt động về cơ sở vùng DTTS. Đồng thời, cần coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; bồi dưỡng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc của đồng bào DTTS.

Thông qua đó, các chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS thời gian qua đã phát huy được hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng DTTS. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện, nâng cao. Văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh được giữ vững. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường.

M.Q