Đam Rông (Lâm Đồng): Chú trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với xuất phát điểm của một nền kinh tế - xã hội tương đối thấp, đời sống của một bộ phận Nhân dân còn nhiều hạn chế, để Đam Rông từng bước phát triển, thoát khỏi khu vực khó khăn cần có thêm cơ chế, chính sách tạo tính đột phá với quyết tâm chính trị cao, bằng các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

 Người DTTS ở xã Đạ M’Rông bước đầu áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất cây cà phê

Ông Liêng Hot Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, UBND huyện đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, Nghị quyết của HĐND huyện chỉ đạo kịp thời các ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội với phương châm thực hiện mục tiêu kép vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm vẫn duy trì và đạt được những kết quả tích cực, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản đảm bảo mục tiêu đề ra.  

Mặc dù vậy nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn, việc huy động nguồn lực của hộ gia đình chủ yếu dưới hình thức đóng góp ngày công, hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, sản xuất. Một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo.  

Với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, cuối năm 2021, Tỉnh ủy cũng đã có Nghị quyết về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh đến phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa địa phương với các địa phương khác trong tỉnh.  

Với Đam Rông, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân là thường xuyên. Cùng với đó là kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. 

Để làm được điều đó cần làm tốt hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ; hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

Mục tiêu đến năm 2025, Đam Rông đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thoát nghèo bền vững; thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; Trung tâm Bằng Lăng và xã Đạ Rsal cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V... Bên cạnh đó là một số các chỉ tiêu, con số cụ thể gắn với từng giai đoạn rõ ràng. 

Đặc biệt, cần hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng tại các xã, khu vực khó khăn và nhân rộng, chuyển giao các mô hình sản xuất hiệu quả, phát động thi đua trong sản xuất, nhất là tại 4 xã khu vực III: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông và Liêng S’rônh. Thực hiện nhất quán chính sách hỗ trợ có điều kiện, từng bước giảm dần và chấm dứt chính sách hỗ trợ cho không, tăng việc hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện, gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận cơ chế, chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, như: Chính sách hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, chính sách cho vay vốn,... 

Ông Liêng Hot Ha Hai cho biết, những năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. UBND huyện đã có kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2022, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có để phát triển sản xuất; giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong mọi tình huống; không để việc lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

 HỒNG THẮM