Đắk Lắk: Ưu tiên nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tại Đắk Lắk, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song với sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị nên đến nay nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con có nhiều khởi sắc.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ xây dựng và triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Tại Đắk Lắk, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, đây là những nơi có địa bàn rộng, dân cư phân tán, thường xuyên chịu tác động của thiên tai… nên đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn.

 Hộ nghèo ở Đắk Lắk được hỗ trợ vật nuôi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ưu tiên xoá đói, giảm nghèo

Trước những thách thức đó, chính quyền các địa phương đã xây dựng lộ trình, kế hoạch phù hợp để tập trung nguồn lực đầu tư cho các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo… để sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk cho biết: Khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới là công tác giảm nghèo.

Ngoài việc xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện chung, cùng với việc tập trung các nguồn lực của Trung ương thì huyện cũng dành ra một nguồn ngân sách hỗ trợ về tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tăng thêm nguồn lực về các tiêu chí giao thông, phát triển sản xuất…

Khi mới rời quê hương Lạng Sơn vào lập nghiệp tại xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, gia đình ông Hoàng Văn Hiệu gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu vốn, đất sản xuất lại ít nên việc phát triển kinh tế là không hề dễ dàng với ông Hiệu.

Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi sau khi gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi… để từng bước nâng cao đời sống, thoát khỏi nghèo khó. Năm 2018, gia đình ông Hiệu còn mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha cà phê, hồ tiêu sang trồng sầu riêng và xen canh thêm rau bò khai.

Ông Hiệu cho biết, thời điểm trước dịch bệnh Covid 19, mỗi kilogam rau bò khai bán được 80 ngàn đồng, từ khi dịch bệnh bùng phát, giá có sụt giảm nhưng vẫn ở mức 30-50 ngàn đồng một ký, lợi nhuận cao hơn cây cà phê từ 3 đến 4 lần.

 Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nghèo  có điều kiện chăm sóc cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ định hướng người dân chuyển đổi các loại cây trồng theo nhu cầu của thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà chính quyền các địa phương ở Tây Nguyên còn hỗ trợ, khuyến khích và nhân rộng các mô hình chăn nuôi phù hợp với tập quán sản xuất của người dân.

Nhờ thực hiện mô hình chăn nuôi hiệu quả mà cuối năm 2021 gia đình bà H’Nưm M’lô ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã thoát được nghèo.

Bà H’Nưm chia sẻ: Trước đây bà không biết trồng cà phê hay chăn nuôi, nhưng nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, con giống và cả kỹ thuật nên đến nay gia đình bà có hơn 10 con dê, 3 con bò sinh sản và có hơn 3 sào cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh".

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để thành công trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc phát huy tối đa các nguồn lực từ Trung ương, địa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thì nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là vấn đề hết sức quan trọng. Bởi, người dân chính là chủ thể còn Nhà nước đóng vai trò đòn bẩy để thực hiện các chủ trương, chính sách đề ra.

Chính vì thế, thời gian qua, một số địa phương vùng khó khăn đã tập trung vào thực hiện các giải pháp đồng bộ, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Các hình thức thực hiện cũng đa dạng, phong phú và tùy thuộc vào điều kiện của từng vùng, từng địa phương.

Nhờ đó nhiều thôn, xã… vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, trong giai đoạn 2016-2020 địa phương này đã đầu tư hơn 30,5 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo, trong đó, Trung ương hỗ trợ trên 26,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Từ nguồn vốn này, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực thực hiện các mô hình, dự án giảm nghèo bền vững như: nuôi bò, dê sinh sản, hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Nhờ đó, trong 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Krông Pắk giảm bình quân hơn 3%/ năm, đến cuối năm 2021 còn 5,5%; toàn huyện có 12/15 xã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021-2025, để thực tốt chuẩn nghèo đa chiều Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về chuyên đề giảm nghèo. UBND huyện cũng triển khai thực hiện công tác giảm nghèo hàng năm. Ngoài các nguồn lực của Trung ương và tỉnh thì huyện cũng bố trí nguồn lực thêm cho các địa phương, huyện phấn đấu về đích NTM giai đoạn 2021-2025.

Còn ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk thì chú trọng giải pháp nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Kêu gọi các doanh nghiệp gắn kết hướng dẫn người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho bà con.

Vấn đề vốn tín dụng ưu đãi cũng là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhờ nguồn vốn tín dụng NHCSXH mà nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách đã được tiếp cận nguồn vốn. Trung bình hàng năm có hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn NHCSXH và nguồn vốn này đã góp phần qua trọng vào việc giảm nghèo hàng năm.

Bà H'Ngâu M'lô - xã Ea Đar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk chia sẻ: “Tôi vay 50 triệu đồng của Ngân hàng chính sách để chăm sóc cà phê và chăn nuôi thêm heo nữa. Từ năm tôi vay được tiền của Ngân hàng chính sách thì hai vợ chồng đã cố gắng làm ăn tích cóp, phát triển kinh tế, năm 2020 gia đình tôi thoát nghèo”.

Nhờ đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững, nên nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; hạ tầng cơ sở được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện.

Qua đó, nhiều địa phương vùng khó khăn, biên giới, vùng dân tộc thiểu số đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; đặc biệt nhiều xã đã bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Cùng với xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ tiếp thêm động lực để những địa phương vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi… chuyển mình bứt phá, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trong thời gian đến.

Theo ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công cuộc giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, nhưng Đắk Lắk vẫn là một trong những vùng khó khăn của cả nước, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn.

Chính vì thế, để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần ưu tiên nguồn lực, chính sách, cơ chế… để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và thể hiện được vai trò chủ thể trong xây dựng nông mới.

THANH NGA - THU HẰNG