Đắk Lắk: Chuyển biến từ các chính sách dân tộc

(Mặt trận) -Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, điều này được hiện thực hóa rõ nét trong công tác triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Giúp dân làm giàu

Hằng năm, các chương trình, đề án, chính sách dân tộc đã được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh triển khai đồng bộ, sát với tình hình thực tế và đạt kết quả tích cực. Qua đó, có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Từ một hộ nghèo không có đất ở, đất sản xuất, năm 2015, vợ chồng anh Y Như Ayun, được đưa về buôn Ea Su (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) theo diện giãn dân. Đồng thời được UBND xã Ea Phê bố trí cấp cho 5 sào đất theo Chương trình 134 để dựng căn chòi nhỏ và sản xuất. Cùng với đó, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội, anh Y Như đã mạnh dạn mua giống cà phê, hồ tiêu, sầu riêng về trồng xen canh trong rẫy.

Anh Y Như cho biết, sau 4 năm, cây trồng cho thu hoạch rộ, trừ chi phí, mỗi năm gia đình cũng dư được 50 triệu đồng. Vui hơn nữa là, đầu năm 2020, gia đình được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình 167. Nhà nước hỗ trợ một phần, anh bỏ thêm kinh phí xây dựng căn nhà kiên cố. Không những thoát nghèo, đến nay gia đình anh đã có kinh tế ổn định.

 Nhờ các chính sách hỗ trợ người DTTS, gia đình ông Y Hiền Niê (buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã phát triển hiệu quả mô hình đa cây.

Tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), ngôi nhà mái Thái khang trang xen giữa bạt ngàn cà phê xanh mướt, là thành quả lao động của gia đình ông Y Hiền Niê, Bí thư Chi bộ buôn buôn Adrơng Điết.

Ông Y Hiền cho hay, trước đây, khu vườn 2,5 ha của gia đình ông chỉ trồng ngô, sắn, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2010, được UBND xã hỗ trợ cấp cây cà phê giống và phân bón theo chương trình của Nhà nước về hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, ông bắt tay vào cải tạo vườn tạp, sắp xếp khu vực chăn nuôi, trồng trọt khoa học.

Ông còn tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất do địa phương tổ chức để học hỏi, áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên từ năm 2014, hiệu quả kinh tế từ việc trồng cà phê tăng cao. Khi có vốn, ông tiếp tục đầu tư trồng xen sầu riêng, bơ booth, tiêu nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất. Năm 2019, các loại cây trồng trong rẫy đều cho thu hoạch, ước tính lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Kinh tế vững, con cái được học hành đến nơi đến chốn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao rõ rệt.

Buôn làng khởi sắc

Trong kháng chiến chống Mỹ, buôn Ea Na (xã Ea Na, huyện Krông Ana) bị giặc đốt phá tan hoang. Sau ngày giải phóng, người dân tìm về quê cũ xây dựng cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, cùng sự đoàn kết phát huy truyền thống cách mạng, người dân buôn Ea Na đã từng bước khắc phục khó khăn, chung sức xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp. Từ những chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, thúc đẩy khuyến nông, giúp người dân nắm bắt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Nay H’Úy, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na cho hay, đến nay, buôn Ea Na đã thực sự “thay da đổi thịt”. Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên san sát, 100% đường làng ngõ xóm đều được thảm nhựa, hoặc bê tông, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, điện kéo về từng nhà... Buôn Ea Na có 397 hộ, với 1.900 nhân khẩu (phần lớn là hộ đồng bào dân tộc Êđê và Jrai) hiện còn 18 hộ nghèo (giảm 16 hộ nghèo so với năm 2022), chiếm 4,5%. Nhiều mô hình kinh tế hay, hiệu quả được nhân rộng, tất cả trẻ em đều đi học đúng tuổi, số con em học hết cấp 3 và học lên cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Bà con cũng chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Hạ tầng nông thôn của buôn Ea Na (xã Ea Na, huyện Krông Ana) được đầu tư khang trang

Buôn Drai H’ling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 270 hộ dân, trong đó 99% là dân tộc Êđê. Những năm qua, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp đời sống của người dân từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Ông Y Tuyên Bkrông - người có uy tín của buôn Drai H’ling chia sẻ: Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang. Hầu hết các tuyến đường được bê tông, nhựa hóa thuận lợi đi lại, vận chuyển nông sản, nhờ vậy mà giá trị hàng hóa cũng được nâng cao. Người dân được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Hộ nghèo được nhận vật nuôi, cây giống, được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, con trẻ được đến trường… Toàn buôn hiện có 90% số hộ đạt gia đình văn hóa, cả buôn chỉ còn 2 hộ nghèo.

Có thể khẳng định các chương trình, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào các DTTS nói riêng. Đến nay, có 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã và điện lưới quốc gia; đa số người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh… Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 4,85%/năm, còn 14,08%. Tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, ngành nghề truyền thống được quan tâm, gìn giữ...

Lê Thành