(Mặt trận) -Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đồng bào công giáo huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cụ thể hóa thành phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” và triển khai thực hiện sâu rộng. Nhiều mô hình hay, cách làm tốt cùng các tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào này ngày càng được lan tỏa, nhân rộng. Nổi bật là mô hình xứ đạo, họ đạo 3 không, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giúp bà con giáo dân yên tâm lao động sản xuất.
|
Các hộ gia đình giáo dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp. |
Tại xã Thạnh An, từ năm 2015, các ấp đồng loạt triển khai thực hiện mô hình xứ đạo, họ đạo 3 không. Qua đó, tất cả hộ dân đăng ký cam kết thực hiện 3 nội dung: không tội phạm, không ma túy, không mại dâm. Cùng với sự vào cuộc của ngành Công an, sự đồng thuận và phối hợp của các vị linh mục tại các nhà thờ, giáo xứ, giáo họ, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hội viên nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, tố giác tội phạm và nhắc nhở, giáo dục con em trong gia đình.
Linh mục Đỗ Anh Tuấn, Chánh xứ Giáo xứ Long Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Nhận thức được ý nghĩa và sự thiết thực của mô hình 3 không, chúng tôi rất hưởng ứng và kêu gọi giáo dân làm tốt phong trào này. Hiện nay, tình hình an ninh trật tự trong đồng bào giáo dân nơi đây rất đảm bảo”. Là một trong những hộ dân sinh sống lâu năm tại địa phương, cô Phạm Thị Vân, ngụ tại ấp G2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Bản thân tôi rất tự giác về việc thực hiện nội dung 3 không. Linh mục cũng thường xuyên tuyên truyền trong nhà thờ để bà con giáo dân ý thức được trách nhiệm của mình. Cùng với đó, chính quyền địa phương luôn rất quan tâm, tuyên truyền để người dân chung sức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”. Riêng gia đình tôi luôn ý thức giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp, chấp hành quy định pháp luật…”.
Qua triển khai thực hiện mô hình đã mang lại những kết quả thiết thực, tình hình an ninh trật tự, tỷ lệ tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn xã Thạnh An giảm đáng kể. Theo ông Lê Văn Sĩ, Chủ tịch HĐND xã Thạnh An, 5 năm qua, các khu dân cư có đông đồng bào công giáo và tại các nhà thờ giáo xứ luôn đảm bảo về trật tự công cộng, không để xảy ra tệ nạn xã hội, không xảy ra điểm nóng khiếu kiện đông người. Từ năm 2017 đến nay, xã Thạnh An được công nhận đạt chuẩn 3 không. Đến nay, tất cả giáo xứ, giáo họ trên địa bàn xã Thạnh An được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 không.
Theo ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Thạnh, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có khoảng 38% đồng bào công giáo; trong đó, tập trung nhiều nhất tại 3 xã tuyến Bắc Cái Sắn, gồm: Thạnh An, Thạnh Thắng và xã Thạnh Lợi với 99% dân số là đồng bào công giáo sinh sống. Với sự phối hợp giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện, ngành Công an, Mặt trận, các đoàn thể và các nhà thờ giáo xứ, mô hình xứ đạo, họ đạo 3 không được đồng bào giáo dân tích cực hưởng ứng. Không riêng xã Thạnh An, hiện nay, địa phương đã phát huy hiệu quả mô hình xứ đạo, họ đạo 3 không, tiếp tục nâng tiêu chí hướng đến xứ đạo, họ đạo 4 không, 5 không, 6 không, 7 không.
Nhằm góp phần cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Vĩnh Thạnh luôn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân các xứ đạo, họ đạo tham gia xây dựng đời sống văn hóa, đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn… Nhiều giáo xứ, các hộ gia đình giáo dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỉ đồng để nâng cấp mở rộng và bê tông hóa cầu giao thông, những tuyến đường liên xã, liên ấp. Nổi bật trong năm 2020, giáo hạt Vĩnh An và giáo hạt Vĩnh Thạnh đã kêu gọi bà con giáo dân nêu cao tinh thần thiện nguyện, đóng góp thực hiện nhiều công trình phúc lợi xã hội, như: sửa chữa cầu, làm bờ kè chống sạt lở, xây lò xử lý rác, hỗ trợ mặt cứng bê tông đường giao thông nông thôn… với tổng số tiền trên 10,3 tỉ đồng.
Lấy sức dân phục vụ nhân dân là cách làm hiệu quả của bà con giáo dân, các giáo xứ, giáo họ trên tuyến Bắc Cái Sắn nói riêng và trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh nói chung, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng. Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào công giáo huyện Vĩnh Thạnh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng diện mạo của các giáo xứ, họ đạo nơi đây ngày càng thêm khởi sắc.
Hồng Vân