Chư Păh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Những năm qua, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai quan tâm tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Theo ông Trần Minh Sơn-Bí thư Huyện ủy Chư Păh, phát triển các mô hình giảm nghèo là giải pháp quan trọng của huyện. Với tinh thần đó, thời gian qua, Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương xây dựng, nhân rộng 29 mô hình giảm nghèo bền vững. Hầu hết các mô hình này ưu tiên về phát triển sản xuất tại các làng đồng bào DTTS, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.

 Gia đình anh Rơ Châm Ú (làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) được hỗ trợ dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Trong đó, mô hình “Đàn dê thoát nghèo” ở xã Ia Khươl và Hà Tây do Hội Nông dân phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thực hiện đầu năm 2021. Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-cho hay: Qua tìm hiểu được biết, đa số bà con nông dân ở 2 xã Ia Khươl và Hà Tây có nhu cầu nuôi dê. Bởi lẽ, thức ăn cho dê dễ kiếm, thời gian nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, 15 hội viên nông dân nghèo của 2 xã được lựa chọn tham gia mô hình. Mỗi hộ được cấp 4 con dê giống Boer lai. Tổng trị giá con giống là hơn 180 triệu đồng trích từ Quỹ “Vì người nghèo”. “Hiện tại, Hội Nông dân huyện ký kết bao tiêu sản phẩm với trại dê Văn Quý (huyện Mang Yang). Giá dê thương phẩm đang được thị trường thu mua khoảng 130-150 ngàn đồng/kg. Đây là cơ hội để người dân tăng thu nhập, hướng đến thoát nghèo bền vững”-Chủ tịch Hội Nông dân huyện thông tin.

Anh Rơ Châm Ú (làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl) vui vẻ cho biết: “Tham gia mô hình “Đàn dê thoát nghèo”, gia đình tôi được hỗ trợ 4 con dê giống. Đến nay, 1 con dê mẹ đã đẻ con. Một thời gian nữa, khi dê đẻ nhiều, thêm nguồn thu nhập, gia đình tôi sẽ có cơ hội thoát nghèo”.

Tương tự, nhờ tham gia mô hình “Nuôi cá lồng” do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2018 đến nay, 8 hộ ở xã Ia Phí đã thoát nghèo. Anh Puih Yít (làng Tum) phấn khởi nói: “Gia đình mình được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua vật liệu làm lồng nuôi cá, mình chỉ đầu tư thêm 5 triệu đồng để mua cá giống và thức ăn. Năm 2020, mình thu được 1,8 tấn cá. Với giá bán 40-80 ngàn đồng/kg, gia đình mình thu hơn 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”. Cuối năm 2020, gia đình anh Yít chính thức thoát nghèo, có điều kiện để từng bước vươn lên làm giàu. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình mang lại, năm 2021, anh Yít quyết định đầu tư thêm một lồng nuôi 500 con cá thác lác cườm. Qua 8 tháng chăm sóc, tỷ lệ cá sống đạt trên 90%.

Ngoài 2 mô hình trên, trên địa bàn huyện còn có các mô hình giảm nghèo khác như: “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”, “Liên kết sản xuất dược liệu, nuôi heo rừng lai và heo sọc dưa” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai; mô hình nuôi trùn quế, trồng dâu tây, dưa lưới trong nhà kính do Huyện Đoàn thực hiện... Từ năm 2016 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn cho 3.046 hội viên phụ nữ DTTS, hội viên nghèo vay vốn ưu đãi với số tiền gần 100 tỷ đồng. Hội Nông dân huyện tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân để cho 195 hộ DTTS vay số tiền 430 triệu đồng; tín chấp với các ngân hàng cho 5.150 hội viên vay với số tiền hơn 271 tỷ đồng. Huyện Đoàn tín chấp với các ngân hàng cho 1.618 hộ đoàn viên, thanh niên vay với số tiền hơn 54 tỷ đồng để làm ăn, phát triển kinh tế...

Bí thư Huyện ủy Chư Păh chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hình thức vận động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể xây dựng mô hình phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng hộ nên các mô hình giảm nghèo trở nên phong phú, phát huy hiệu quả. Từ đó, người nghèo càng phấn khởi, nâng cao ý thức vươn lên, không để tái nghèo”.

 ĐINH YẾN