Chiến lược công tác dân tộc giúp xóa đói giảm nghèo

(Mặt trận) -Việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đã giúp phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Khởi sắc đời sống kinh tế - xã hội

Theo Báo cáo Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Ủy ban Dân tộc, những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất… đã được quan tâm triển khai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo cơ chế thị trường. Các loại hình du lịch như du lịch cộng đồng, du lịch danh thắng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh… đã khởi sắc và phát triển.

Một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre… đã thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như trồng rau công nghệ cao ở Lâm Đồng; cây keo, quế ở Quảng Ngãi; cây hồi ở Lạng Sơn; sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam; cây dược liệu ở Quảng Trị; cà phê, hồ tiêu, cao su ở Tây Nguyên; nuôi bò sữa ở Sơn La…

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, giai đoạn 2016 – 2018 đạt bình quân 7% và tăng dần hàng năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (năm 2016 tăng 6,67%, năm 2017 tăng 6,89%, năm 2018 tăng 7,56%).

Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm: Bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 4%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5 – 6%/năm trở lên. Giai đoạn 2015 – 2019 đã có 8/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hướng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Tính chung từ năm 2010 đến năm 2020, bình quân tỷ lệ giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm đạt hơn 4/%; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn dân tộc thiểu số năm 2020 tăng 5 lần so với năm 2010.

Ảnh minh họa 

Giảm nghèo chưa thực sự bền vững

Thắng thắn nhìn nhận thì thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã giảm mạnh nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn có nguy cơ tái nghèo nhanh, đặc biệt là khi áp dụng chuẩn nghèo mới. Một bộ phận đồng bào chưa có ý chí tự vươn lên thoát nghèo.

Tình trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số vẫn đang là một thách thức lớn. Thống kê của Ủy ban Dân tộc cho thấy, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của dân tộc thiểu số chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung của cả nước.

Chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn. Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào dân tộc thiểu số. Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu 66,3%, Chứt 75,3%, Mảng 79,5%, La Hủ 83,9%...

Cần lưu ý, Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Để có thể tiếp tục phát huy vai trò của Chiến lược công tác dân tộc giúp xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ, đặc biệt là có thêm nhiều động lực để khuyến khích người nghèo dân tộc thiểu số chủ động vươn lên thoát nghèo.

Lam Anh