Cát Tiên (Lâm Đồng): Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020, với việc huy động tốt các nguồn lực, cùng sự hỗ trợ tích cực từ Đảng bộ và chính quyền, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Cát Tiên ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Bà con nông dân xã Đồng Nai Thượng được hướng dẫn kỹ thuật để chuyển đổi giống cây trồng

Cát Tiên là vùng đất hội tụ của 22 dân tộc anh em, với tổng dân số trên 35.000 khẩu. Trong đó, có 21 DTTS gồm: Tày, Thái, Hoa, Mường, Nùng, Mông, Dao,... Riêng đồng bào DTTS tại chỗ như Mạ, X’Tiêng có 2.444 khẩu, chiếm 30,5% đồng bào DTTS toàn huyện. 

Đồng chí Nguyễn Khắc Bình - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên cho biết: Huyện Cát Tiên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế trong vùng DTTS như xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình điện, trường học, trạm y tế. Trong đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giảm 7,2%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS đạt 35,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,75 lần so với năm 2015.

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, huyện Cát Tiên cũng đã có nhiều chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Cụ thể như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo DTTS vùng khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở người DTTS; hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo…

Hiện, trên địa bàn huyện Cát Tiên, 100% thôn, buôn đã có điện lưới; số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% thôn, buôn có đường giao thông; không còn hộ thiếu đói giáp hạt; trên 80% hộ đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% đồng bào DTTS được khám bệnh miễn phí theo quy định; 100% thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ huy động trẻ em người DTTS trong độ tuổi đến trường đạt 100%.

Trong ngôi nhà khang trang, già làng Điểu K’Lộc (thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng) phấn khởi chia sẻ, 68 mùa nương rẫy, gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này, ông mừng vì cuộc sống của bà con ngày càng phát triển. Không còn đói nghèo, không còn lo cái ăn, cái mặc hay chia cách vì đường sá khó khăn, nay các con ông đã biết trồng sầu riêng, bơ, cà phê,... các cháu ông được học hành đầy đủ. Xã Đồng Nai Thượng - nơi có đến 98% dân số là người Mạ, là một trong những địa phương được huyện Cát Tiên đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cho nông dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đồng thời thực hiện Dự án cải thiện sinh kế gắn với bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân tộc trên địa bàn huyện Cát Tiên đã từng bước mang lại hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Bên cạnh đó, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Theo Bí thư Nguyễn Khắc Bình, để tiếp tục huy động tốt các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 08 về tăng cường lãnh đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS địa bàn huyện đến năm 2025, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp đặt ra. 

Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phát huy nội lực trong phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, chú trọng công tác khuyến nông, hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để tạo đột phá phát triển kinh tế, huyện Cát Tiên đang thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất với cây trồng, vật nuôi phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, huyện Cát Tiên phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm bình quân hàng năm từ 3 - 4%; đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50 triệu đồng trở lên, duy trì 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 15%. Bên cạnh đó, đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, trong đó 100% đường giao thông từ thôn, buôn đến trung tâm xã được cứng hóa…

VIỆT QUỲNH