Cao Bằng: Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân

(Mặt trận) -Xác định thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng từng bước cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt các chính sách vào thực tiễn, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Mô hình nuôi bò vỗ béo được người dân huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) phát triển mạnh

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Đào Văn Mái cho biết: Để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện các đề án, dự án, chương trình chính sách dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân. Ngành chuyên môn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng vùng thụ hưởng chính sách về thực thi nhiệm vụ, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn.

Các nguồn lực chính sách được tập trung ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu về: giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung vào những lợi thế của địa phương, tạo bứt phá đi lên; đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em dân tộc thiểu số để có thu nhập cao hơn.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc, tỉnh đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, điện sinh hoạt và nước sạch phục vụ sinh hoạt, công trình thủy lợi ở vùng khó khăn. Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, phân bón các loại, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng gia súc, lò sấy, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi gà công nghiệp, chăn nuôi lợn đen, kỹ thuật tiêm, phòng, chống đói rét cho trâu, bò với hơn 120.000 lượt hộ tham gia.

Huyện Bảo Lâm có tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 70%, cao hơn trung bình của huyện. Trước thực tế đó, những năm qua, Bảo Lâm đã tập trung thực hiện các chính sách dân tộc như: Chương trình 135, Quyết định số 167, Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ học sinh đi học, chính sách an sinh xã hội… Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào trồng cỏ voi, phát triển chăn nuôi gia súc, bình quân đàn gia súc tăng trưởng 3 - 5%/năm.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: dong riềng, nghệ, gừng, hồi, quế, keo lai, xoan, sa mộc. Qua đó cải thiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%. Điển hình như gia đình anh Đào Trung Tuấn, xóm Nà Pù, xã Nam Quang (Bảo Lâm) nhờ được tuyên truyền, vận động đã chuyển 1 ha đất rẫy trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ voi, phát triển nuôi trâu vỗ béo nên đã thoát nghèo.

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư hoàn thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc, nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nhiều người dân chủ động nỗ lực vươn lên, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đạt 19,3 triệu đồng/năm, đến hết năm 2019 đạt 30,7 triệu đồng/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện các chính sách dân tộc còn một số khó khăn, hạn chế như: một bộ phận đồng bào có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; một số công trình hạ tầng cơ sở hiệu quả đầu tư chưa cao, cơ chế nhân dân đóng góp nguồn lực, tham gia giám sát nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công trình còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thay đổi nhận thức, tự lực, tích cực vươn lên trong cuộc sống./.

M.Q