Các tôn giáo tỉnh Đồng Nai 'Xông pha' lên tuyến đầu chống dịch

(Mặt trận) -Cùng với những cách làm hay, mô hình hiệu quả, thiết thực nhằm chung sức, đồng lòng đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh, thời gian qua, phong trào tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch được các tôn giáo tỉnh Đồng Nai hưởng ứng sôi nổi.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Tình nguyện viên của Phật giáo tỉnh Đồng Nai tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tại TP.Biên Hòa.

Những nghĩa cử cao đẹp ấy là minh chứng cho quyết tâm, tinh thần đoàn kết, không phân biệt tôn giáo nhằm chung sức đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống an bình cho nhân dân.

* “Cởi áo cà sa, khoác áo blouse”

Sư cô Tuệ Nhật là một trong những tình nguyện viên (TNV) của Phật giáo tỉnh tham gia phục vụ tại các khu cách ly y tế trên địa bàn TP.Biên Hòa được hơn một tuần nay. Vào khu cách ly, từ việc phục vụ cơm nước, chăm sóc cho các bệnh nhân đến dọn dẹp, lau chùi nhà vệ sinh…, việc gì có thể làm được sư cô Tuệ Nhật đều xắn tay vào làm không chút nề hà. Đặc biệt, sư cô luôn tìm cách gần gũi bệnh nhân, động viên, khơi dậy sự lạc quan nhằm tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ chiến thắng bệnh tật.

Tu sĩ Thích Nhuận Tiến bộc bạch: “Đã xông pha ra tuyến đầu rồi thì phải làm hết mình, kể cả không may bị lây nhiễm chúng tôi cũng không bao giờ hối hận. Hết đợt này, tôi sẵn sàng tham gia nhiều đợt sau nữa, khi nào hết dịch, chúng tôi mới trở về”.

Mỗi buổi sáng, sư cô Tuệ Nhật sẽ đi khắp các phòng bệnh và hỏi lớn: “Quý vị ơi, hôm nay sư cô lại đến nữa rồi, quý vị có khỏe không? Chúng ta cùng cười tươi và hô to “khỏe” để chiến thắng Covid nhé”. Được sư cô “truyền lửa”, cả phòng đều đồng thanh hô vang “Khỏe”. Tiếng hô ấy cứ lần lượt vang từ phòng này sang phòng khác, từ tầng này lên tầng khác như liều thuốc tinh thần cho mỗi bệnh nhân. Tối đến, tầm 21 giờ, sư cô lại lần lượt đi từng phòng hỏi thăm và gửi lời chúc ngủ ngon ấm áp tới mọi người.

“Điều hạnh phúc nhất mỗi ngày của tôi là được nhìn thấy các bệnh nhân điều trị khỏi, mang đồ đạc lên đường về với gia đình” - sư cô Tuệ Nhật bộc bạch.

Cũng là một TNV hăng hái của Phật giáo tỉnh Đồng Nai, tu sĩ Thích Nhuận Tiến bộc bạch, trước khi lên đường tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch, mỗi ngày tu sĩ đều theo dõi, cập nhật tin tức về dịch bệnh. Lo lắng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhìn thấy sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, tu sĩ luôn mong muốn được góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch.

Được phân công và tập huấn kỹ càng để tham gia vào công tác rà soát F0 trong cộng đồng, tu sĩ hướng dẫn chu đáo cho người dân khi lấy mẫu xét nghiệm. Để từ đó, việc lấy mẫu đảm bảo chất lượng, an toàn và người dân cảm thấy thoải mái nhất.

Tu sĩ Nhuận Tiến cho hay, nhóm TNV của tu sĩ được chia nhỏ thành từng tổ, đội để thực hiện nhiệm vụ ở từng địa bàn. “Tùy vào đặc điểm địa bàn, có những ngày tu sĩ cùng tổ lấy 400-500 mẫu xét nghiệm, nhưng có những ngày đến 1,5 ngàn mẫu, thậm chí nhiều hơn. Nhiều hôm, tôi cùng anh chị trong tổ của mình làm việc xuyên trưa hay tối muộn mới về, quên chuyện cơm nước, nghỉ ngơi. Nhưng điều đó không có vấn đề gì cả, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp vì biết mình đang làm điều ý nghĩa cho cộng đồng”.

Là một TNV tham gia vào công tác rà soát F0 trong cộng đồng, sư cô Phước Duyên chia sẻ thêm, trong quá trình làm nhiệm vụ, có những cảnh tượng khiến sư cô vô cùng xúc động. Đó là hình ảnh người con khóc nức nở, xách va li quần áo đưa cho người cha được phát hiện là F0 phải đi cách ly. Người cha lo âu lắm, nhưng vẫn cố cười thật tươi động viên con: “Cha chỉ đi ít ngày cha về liền mà, không sao đâu, ở nhà ngoan đợi cha về nhé!”.

“Mọi người đang cùng nhau chiến đấu để chiến thắng dịch bệnh, tình cảm đã chiến thắng nỗi sợ hãi ban đầu, mỗi ngày, tôi đều cảm thấy vui và ý nghĩa khi mình có thể tham gia đóng góp phần nhỏ bé vào công tác phòng, chống dịch bệnh” - sư cô Phước Duyên bộc bạch.

Đại đức Thích Thiện Mỹ, Trưởng ban Thông tin - truyền thông Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, phụ trách chương trình TNV tham gia tuyến đầu chống dịch của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Phật giáo tỉnh Đồng Nai đã, đang và sẽ nỗ lực tham gia đóng góp cùng tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, góp phần chăm lo an sinh xã hội, sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, sẽ tiếp phát huy tinh thần tình nguyện xông pha lên đường vào tuyến đầu chống dịch, “cởi áo cà sa, khoác áo blouse”. Phát huy tinh thần đợt 1, Phật giáo tỉnh Đồng Nai đang kêu gọi TNV lên đường các đợt tiếp theo và đang nhận được sự đăng ký đông đảo của tăng, ni, phật tử tỉnh nhà”.

* Chung một tấm lòng yêu thương và tinh thần phục vụ

Công giáo là tôn giáo đầu tiên tỉnh Đồng Nai phát động kêu gọi các linh mục, tu sĩ, giới trẻ đăng ký tham gia vào lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Tính đến nay, Giáo phận Xuân Lộc đã tổ chức được 3 đợt để TNV tham gia tuyến đầu chống dịch với số lượng hơn 400 người.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đóng góp trong 2 tuần, nhiều tu sĩ, linh mục, chủng sinh, bạn trẻ và giáo lý viên của Giáo phận còn tiếp tục đăng ký tình nguyện phục vụ thêm. Chỉ riêng trong đợt 3 gần đây, ngoài 98 người trong danh sách, còn có hơn 62 TNV đã tình nguyện phục vụ trước đó, tiếp tục xin ở lại phục vụ.

Trong một bài viết chia sẻ cảm nhận của mình, giáo lý viên Phạm Nguyễn Bảo Thy của Giáo phận Xuân Lộc bộc bạch, thời gian tham gia làm TNV, chị cảm nghiệm được thật nhiều điều hữu ích. Đó là sự nêu cao tinh thần hy sinh, dấn thân phục vụ; đó là sự tổ chức một cách khoa học, sáng tạo và trách nhiệm trong từng công việc. Cũng trong môi trường thiện nguyện ấy, chị đã quen được nhiều bạn mới và tất cả đều cùng chung ý chí chống lại đại dịch Covid-19.

Còn với Linh mục Phaolô Đinh Chí Hiền, một trong những điều xúc động, ý nghĩa mà linh mục cảm nhận được trong những ngày tham gia TNV tại bệnh viện dã chiến, đó là việc linh mục liên tục nhận những cuộc điện thoại hay tin nhắn từ nhiều nơi như: “Sáng mai mình gửi xôi và bánh vào cho bệnh nhân ăn sáng”; “Trưa nay có người ủng hộ ổi và thanh long cho bệnh nhân;” “Chiều có người ủng hộ cam cho bệnh nhân”; “Công ty tôi ủng hộ khẩu trang cho bệnh nhân và sữa cho nhân viên để giữ sức khỏe…”. Theo sau những cuộc điện thoại hay dòng tin nhắn là những chuyến xe chở nhu yếu phẩm đến bệnh viện trao cho bệnh nhân.

Linh mục Phaolô Đinh Chí Hiền chia sẻ thêm: “Tôi nghiệm ra rằng từ nay trên hành trình cuộc đời, tôi có thêm những “bạn đồng hành” mới. Họ là quý y bác sĩ, nhân viên, anh em dân quân, công an, quân đội, những ân nhân xa gần… có khác nhau về tôn giáo nhưng đều chung nhau ở tấm lòng yêu thương và phục vụ”.

Linh mục Đaminh Nguyễn Tuấn Anh, Tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc nhấn mạnh, chương trình tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của nhóm thiện nguyện giáo phận thời gian qua đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc, các hội dòng, giáo xứ, gia đình và cá nhân. Mọi người đã đồng hành bằng lời cầu nguyện và giúp đỡ bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Với tinh thần trách nhiệm và tinh thần bác ái, Công giáo luôn nỗ lực kết nối tình đồng đạo, nghĩa đồng bào cùng cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai nêu cao tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, góp phần mang lại cuộc sống an bình cho tất cả mọi người.

Theo ông Nguyễn Quốc Vũ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, phát huy tinh thần nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo đã tích cực đồng hành với chính quyền các cấp và đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, tích cực kêu gọi, vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Điều đó không chỉ thể hiện tình thương, trách nhiệm của các tôn giáo mà còn thể hiện trách nhiệm, tình thương và tình cảm của một người công dân đối với đồng bào mình. Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai ghi nhận, trân trọng và đánh giá cao sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 Thảo Lâm