Các tỉnh biên giới Đông Bắc đẩy nhanh tiêm vaccine với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng

(Mặt trận) - Các địa phương khu vực biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh đang tiếp tục tổ chức tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế sự phát sinh và lây lan của dịch bệnh.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Sáng 5/8, 4.000 công nhân Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long, thuộc KCN Hải Yên, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu tiêm vaccine Verocell mũi 2. 

Sáng 5/8, 4.000 công nhân Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long, thuộc KCN Hải Yên, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu tiêm vaccine mũi 2, loại vaccine Verocell của hãng Sinopharm. Địa điểm tiêm được bố trí ngay tại công ty với quy trình tiêm 1 chiều khép kín, bảo đảm thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ y tế và sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh.

Ông Đào Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long nói: "Tôi rất cảm ơn chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã dành ưu tiên tiêm vaccine cho công ty chúng tôi, tăng sức đề kháng cho người lao động và giúp chúng tôi yên tâm sản xuất".

Huyện miền núi Bình Liêu có tỷ lệ tiêm vaccine Verocell đạt tỷ lệ 80%, độ phủ tiêm chủng đã đạt trên 50% dân số toàn huyện. 

Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho hơn 88.000 người, đang tiến hành tiêm mũi 2 tại các huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái, phấn đấu đến 12/8 sẽ hoàn thành. Quảng Ninh được bộ Y tế phân bổ 176.000 liều vaccine Verocell của hãng Sinopharm. Số vaccine này được ưu tiên dành tiêm cho cán bộ, chuyên gia và các thương nhân Trung Quốc làm việc tại Quảng Ninh, công nhân trong các KCN và cư dân biên giới, lao động trong ngành du lịch dịch vụ... Hiện khoảng 50% dân số trong độ tuổi 18 đến 65 tuổi tại thành phố Móng Cái đã được tiêm vaccine.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết: "Hôm nay thành phố Móng Cái bắt đầu tiêm hơn 29.000 liều cho người dân đã hoàn thành mũi 1. Ở mũi 1, tất cả mọi người đều an toàn, không có phản ứng đặc biệt. Chúng tôi triển khai lực lượng để tiêm, bảo đảm đúng quy trình, an toàn cho nhân dân. Mong là Quảng Ninh sẽ bố trí thêm vaccine để chúng tôi tiêm cho những trường hợp hoãn tiêm do thiếu vaccine"

Cùng với Quảng Ninh, các địa phương Lạng Sơn, Cao Bằng cũng được phân bổ 130.000 liều vaccine VeroCell của hãng Sinopharm... Ngay sau khi được phân bổ, các địa phương triển khai tiêm xong mũi 1 và đang rà soát kế hoạch tiêm mũi 2 cho người dân theo đúng quy định. Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, người dân các địa phương nhất là tại khu vực biên giới mong muốn được tiêm vaccine một cách sớm nhất.

Ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, địa phương đã có gần 52.000 người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và gần 8.000 người đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Riêng vaccine Verocell, hiện Cao Bằng đã hoành thành tiêm mũi 1 cho hơn 20.000 người và đảm bảo đủ vaccine tiêm mũi 2 cho các đối tượng này.

"Ban đầu một số người dân cũng có nghi ngại, phân vân. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền giải thích và cũng không có những trường hợp sự cố gì trên thực tế. Đây là vaccine đã được Tổ chức y tế thế giới phê duyệt và Việt Nam cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp; trong quá trình tiêm vaccine không gây ra phản ứng bất lợi cho nên đến nay nhu cầu sử dụng rất là lớn. Tuy nhiên, nguồn vaccine bộ Y tế cấp cho Cao Bằng chưa đủ nên nhiều người dân đến nay vẫn chưa được tiêm", ông Nông Tuấn Phong chia sẻ.

Cấp ủy các địa phương xuống trực tiếp động viên bà con tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19. 

Tại tỉnh Lạng Sơn, số vaccine được nhận thực tế đến thời điểm này là hơn 96.000 liều, trong đó Verocell là hơn 89.700 liều. Tính tới ngày 3/8, Lạng Sơn đã triển khai 4 đợt tiêm trong đó, có hơn 82.000 người tiêm mũi 1 và trên 10.400 người tiêm đủ 2 mũi. Cả tỉnh phấn đấu đến hết quý I/2022, trên 70% dân số tại tỉnh được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Với vị trí trọng yếu về kinh tế, an ninh quốc phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và nhiều địa bàn biên giới được đặc biệt quan tâm, dành nguồn vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng khoảng đầu năm 2022.

Do nguồn vaccine trên thế giới còn khan hiếm trong khi các loại vaccine do Việt Nam nghiên cứu vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên mỗi liều thuốc được bộ Y tế phân bổ đều rất quý giá. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine là vô cùng quan trọng, bởi tất cả các loại vaccine được phép sử dụng tại Việt Nam đều đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và cũng được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới./.