Các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Chung tay vì sự an toàn trong mùa dịch

(Mặt trận) -Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngoài thực hiện nghiêm quy định “5k” của Bộ Y tế còn đóng góp không nhỏ cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Những ngôi nhà “Ý Đảng, lòng dân” ở huyện Mường Lát

Bình Phước: Biến Chương trình mục tiêu quốc gia thành động lực mạnh mẽ phát triển KTXH bền vững

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Linh mục ĐAMINH Nguyễn Văn Kinh, Quản hạt Thái Nguyên, ủng hộ kinh phí vào Quỹ phòng, chống COVID-19 của tỉnh. 

Thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ca F0 trong cộng đồng tăng cao, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng tổ chức các hoạt động lễ, hội tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng, tránh tập trung đông người để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chúng tôi nhận thấy một số chùa, như: Chùa Thuần Lương (T.P Sông Công), chùa Phù Liễn, chùa Hang (T.P Thái Nguyên)… đều trang bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang miễn phí cho người dân đến lễ; các nhà chùa đều thông báo trên hệ thống loa phát thanh và treo biển cảnh báo sự nguy hiểm của dịch bệnh trước cổng để những người đến chùa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch.

Đại đức Thích Chúc Tiếp, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, cho hay: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã phổ biến đến các nhà chùa và phật tử thực hiện nghiêm chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như: Theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; hướng dẫn các chùa và phật tử không tổ chức, tham gia các nghi lễ tôn giáo tập trung, thực hiện nghiêm quy định “5k”...

Cùng với Giáo hội Phật giáo, thời gian qua, tổ chức Công giáo, đạo Tin lành cũng luôn đề cao công tác phòng, chống dịch. Trưởng Ban Hành giáo Giáo xứ Thái Nguyên Nguyễn Đức Nghị cho biết: “Sau khi có các văn bản của chính quyền địa phương, chúng tôi dừng ngay việc thực hiện thánh lễ tập trung đông người sang tổ chức đọc kinh, cầu nguyện tại nhà, thực hiện các buổi lễ chỉ ở quy mô nhỏ để đảm bảo việc giãn cách phòng dịch”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, đạo Tin lành; 694 cơ sở tín ngưỡng (291 đình, 130 đền, 152 miếu, 121 cơ sở tín ngưỡng khác).

Nhằm đảm bảo an toàn với dịch COVID-19 trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 đến các tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để phân công lực lượng gặp gỡ người đứng đầu nhằm tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tập trung.

Nhìn chung, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, qua một số đợt dịch bùng phát, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đều đảm bảo an toàn.

Ngoài thực hiện nghiêm quy định “5K”, các tổ chức tôn giáo còn phát huy tinh thần nhân văn, bác ái, đồng hành với chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thông qua kênh Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ sở tôn giáo đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh; thăm hỏi, tặng quà, động viên lực lượng phòng, chống dịch; hỗ trợ các khu cách ly, giải cứu nông sản cho bà con trong các vùng phong tỏa…

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Từ việc thường xuyên nâng cao cảnh giác, ý thức trong phòng dịch đến những việc làm thiết thực, cụ thể, ý nghĩa, nhân văn, các tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực chung tay cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch COVID-19”.

Sông Hương