Buôn làng Tây Nguyên phòng, chống dịch

(Mặt trận) -Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, mỗi ngày có hàng nghìn lao động là người dân các tỉnh Tây Nguyên trở về từ vùng dịch khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng các buôn làng Tây Nguyên rất lớn. Ðể chủ động ngăn chặn, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các buôn làng.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Nguy cơ lây nhiễm cao

Buôn Ea Bhốk, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin, tỉnh Ðắk Lắk) có số người mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh. Mọi con đường vào các khu dân cư vắng ngắt, chỉ có các lực lượng chức năng chốt chặn túc trực ngày đêm. Trong buôn, cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Xuân Phương cho biết: Nguyên nhân bùng phát dịch từ một trường hợp tại xã Ea Bhốk trở về từ vùng dịch. Người này không chấp hành nghiêm việc cách ly tại nhà, đi lại nhiều nơi, khi có hiện tượng đau đầu, sốt cao mới đến trạm y tế và phát hiện bị nhiễm Covid-19 ngày 19/7. Ngay ngày 20/7, xã Ea Bhốk đã được phong tỏa, lập các chốt chặn, điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Từ nguồn lây này, toàn buôn có tới 51 người mắc Covid-19.

 Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk). Ảnh: TUẤN ANH

Bí thư Huyện ủy huyện Cư Kuin Lê Thái Dũng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có ba ổ dịch, 66 ca nhiễm Covid-19. Ðiều đáng lo là toàn huyện có dân số trên 108.000 người, tính đến ngày 4/8, có tới 5.794 trường hợp từ vùng dịch trở về. 

Xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk) với số dân gần 14.000 người, trong đó có trên 83% là đồng bào dân tộc thiểu số  (DTTS). Từ cuối tháng 7 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn làm hàng chục người mắc bệnh. Bí thư Ðảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Ngày 19/7, Y Th Niê và Y J R trú tại buôn Khóa, xã Cư Pui làm công nhân tại Bình Dương, đi xe máy trở về địa phương. Họ không thực hiện cách ly tại nhà mà tiếp xúc với nhiều người. Ngày 23/7, hai người này đều có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đã lây nhiễm cho 29 người, và có 140 người là F1, khoảng 300 người là F2.

Trong khi đó, nhiều người từ vùng dịch trở về đã chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chị Thị Hạnh, người dân tộc M’Nông (xã Ðắk N’Drung, huyện Ðắk Song, tỉnh Ðắk Nông) làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Khi trở về quê đã không về nhà mà tới ngay cơ sở y tế khai báo, được cách ly tập trung. Tại khu cách ly, chị được phát hiện dương tính vào ngày 1/8 vừa qua. Thị Hạnh nói: “Dù em bị bệnh, nhưng thật may mắn đã không làm lây lan tới gia đình và buôn làng”…

 Lãnh đạo xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Ðắk Lắk kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch.

Sát cánh cùng đồng bào chống dịch

Xã Ðạ Chais (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng) có khoảng 2.000 người, đồng bào DTTS chiếm hơn 83%. Chủ tịch UBND xã Ðạ Chais Thân Văn Nghiên cho biết, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn qua tờ rơi, hệ thống truyền thanh, xã đã huy động các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn, già làng, người có uy tín đến từng nhà vận động bà con thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhờ đó, đồng bào ở các thôn, buôn đã nâng cao ý thức và thực hiện tốt.

Tại huyện Ðạ Tẻh, nơi ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại tỉnh Lâm Ðồng, chúng tôi gặp nữ bác sĩ người Mạ Ka Lê Thanh Huyền (Trung tâm Y tế huyện). Ðợt này, xã Mỹ Ðức của huyện trở thành tâm dịch, Huyền nói: “Mình hỗ trợ ba ca sinh trong vùng dịch, tất cả đều mẹ tròn, con vuông. Dù chuyên môn về sản khoa, nhưng ở đâu cần mình luôn sẵn sàng. Chồng mình cũng thế, anh chạy xe cứu thương cho nên phải gửi lại con thơ cho người thân để yên tâm làm nhiệm vụ”. Còn chị Ka Ngót, cán bộ Trạm Y tế xã Phước Lộc (huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Ðồng) ngày đêm túc trực, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra tại chốt kiểm soát trên tỉnh lộ 721. Bác sĩ trẻ Touneh Ðịnh làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19, ở xã Ka Ðô (huyện Ðơn Dương, tỉnh Lâm Ðồng) chia sẻ: “Từ ngày 7/7, huyện Ðơn Dương ghi nhận ba trường hợp từ TP Hồ Chí Minh đến làm việc tại đây dương tính với SARS-CoV-2, đội ngũ y tế huyện nhanh chóng vào cuộc, mình cùng đồng nghiệp vào tâm dịch giúp truy vết và điều trị người bệnh”.

Tỉnh Ðắk Lắk đã xuất hiện một số ổ dịch lớn trong vùng đồng bào DTTS, cho nên công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt.  Ðồng chí Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (Ðắk Lắk) cho biết, huyện đã thành lập 130 chốt kiểm soát tại tám xã. Tại ba buôn đang thực hiện phong tỏa, mỗi buôn thành lập ba chốt và huy động lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt các trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Huyện còn thành lập 475 tổ giám sát cộng đồng, mỗi tổ chịu trách nhiệm với chính quyền theo dõi 20 hộ có người đi từ các tỉnh phía nam về để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ðối với các buôn bị phong tỏa với 100% là đồng bào DTTS,  huyện cấp cho mỗi khẩu 5 kg gạo để bảo đảm lương thực trong thời gian cách ly. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm giúp đỡ 31 tấn gạo, 951 thùng mì ăn liền, 15 tấn rau, củ, quả và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu giúp bà con các buôn bị phong tỏa. Với những biện pháp quyết liệt, linh hoạt, đến nay, các ổ dịch trên địa bàn đã được kiểm soát.

Theo đồng chí H’Kim Hoa Byă - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ðắk Lắk: Qua quá trình kiểm tra ở vùng đồng bào DTTS, đa số các trường hợp từ vùng dịch trở về địa phương đều chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số người nhận thức hạn chế, chưa chấp hành nghiêm các quy định cho nên làm phát sinh một số ổ dịch. Vì vậy, các địa phương đã áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát các trường hợp trở về từ vùng dịch nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng…

BIỂU LÝ - BẢO YÊN