Bình Thuận: Tiếp tục các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Từ thực tế, nhu cầu và nguyện vọng của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tại kỳ họp thứ 11 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở tỉnh Thái Nguyên

Thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống

Bình Thuận có 34 DTTS, với trên 100.000 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. Đồng bào DTTS cư trú xen kẽ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Theo bà Thanh Thị Kỷ - Trưởng ban Dân tộc - HĐND tỉnh, trong những năm qua, việc ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đã cải thiện rõ rệt. Nổi bật, qua 10 năm (từ 2011 - 2021) thực hiện Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm. Đến nay, Nghị quyết số 17 đã kết thúc giai đoạn thực hiện.

 Nông dân K’ Văn Thảo (xã Đông Giang, Hàm Thuận Bắc) và ruộng bắp

Tuy nhiên thực tế hiện nay, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo dễ xảy ra. Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cho thấy hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm 13% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 31,61% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Nguyên do, có thể nói xuất phát điểm của vùng DTTS và miền núi thấp, địa bàn cư trú của đồng bào rộng, điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ thiết yếu còn khó khăn. Mặt khác, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên đầu tư cho vùng đồng bào DTTS vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đồng bào. Vì vậy ngay thời điểm này, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030 ra đời là cần thiết.

Hỗ trợ theo định mức

Nghị quyết này gồm chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào DTTS. Cùng với đó là chính sách khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào DTTS.

Các đối tượng được áp dụng là hộ đồng bào DTTS đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động, có khó khăn về nguồn vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần đồng bào DTTS vùng cao và 21 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh. Hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhận khoán bảo vệ rừng, trừ đối tượng áp dụng chính sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg và đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả từ tiền dịch vụ môi trường rừng…

Theo đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Thuận về nội dung này nêu rõ, mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển là bắp giống, lúa giống, phân bón các loại, thuốc bảo vệ thực vật. Mặt hàng thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản gồm lúa và bắp lai thương phẩm. Định mức đầu tư ứng trước bắp lai, tính theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa 3 ha/hộ/vụ. Lúa nước tính theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa 2 ha/hộ/vụ.

Riêng hạn mức diện tích rừng nhận khoán bảo vệ, trên cơ sở thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng không quá 30 ha/hộ. Đối với các trường hợp đang thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt có hạn mức khoán trên 30 ha/hộ thì tiếp tục thực hiện cho đến hết thời gian khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ được duyệt và được thực hiện theo định mức kinh phí của chính sách này. Về diện tích rừng nhận khoán bảo vệ được hỗ trợ: Tính theo diện tích rừng thực nhận khoán bảo vệ, trừ diện tích đã được nhận tiền khoán bảo vệ từ các nguồn khác. Tiền khoán bảo vệ rừng năm 2022 là 200.000 đồng/ha/năm. Từ năm 2023 trở đi là 300.000 đồng/ha/năm. Kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng. Chi phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/5 năm.

Thông qua các chính sách hỗ trợ này sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào DTTS. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ tham gia nhận khoán. Cùng với đó, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép ảnh hưởng môi trường sinh thái…

Thu Hằng