(Mặt trận) -Những năm qua, thực hiện chương trình giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thể hiện rõ nhất là các chính sách hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào DTTS đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào.
|
Phát triển kinh tế hộ, đa dạng các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo. |
Tính đến đầu tháng 10/2022, tất cả các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bình Thuận có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng truyền hình, truyền thanh và 95% hộ có phương tiện nghe nhìn; 98% hộ được sử dụng lưới điện quốc gia, có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có mạng Internet đến thôn. Các xã vùng đồng bào DTTS hiện có hơn 400 sinh viên đang theo học các trường đại học, trung học, cao đẳng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đến đầu tháng 10/2022 giảm còn 3,64%, giảm 1,09% so với năm 2021. Thu nhập bình quân người dân ở các xã thuần đồng bào DTTS đạt 21,07 triệu đồng/người/năm.
Có được kết quả đó, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương và các chính sách đặc thù của địa phương, còn có sự nỗ lực của đồng bào. Đó là làm tốt trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện toàn tỉnh có 2.379 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ trên 86.179,42 ha rừng (bình quân 36,3 ha/hộ) với kinh phí chi trả hàng năm cho đồng bào DTTS trên 20,3 tỷ đồng. Từ đó, đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân; tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép được hạn chế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có chính sách giải quyết đất sản xuất cho 14.279 hộ đồng bào DTTS với hơn 15.281,08 ha (bình quân 1 ha/hộ). Phần lớn đất cấp được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, đa dạng các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Mặt khác, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng gắn với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm. Hướng dẫn đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng trọt theo hướng sản xuất an toàn sinh học, bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm chất lượng và an toàn nông sản.
Đặc biệt là các địa phương vùng miền núi đã thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su như: Thực hiện đề án “Tái canh cây cao su” trên diện tích 250,84 ha. Đầu tư hạ tầng để tăng khả năng vận tải, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, phấn đấu đến cuối năm 2022 giảm 1,5% hộ nghèo và đến năm 2030 mức giảm hộ nghèo hàng năm đạt từ 1,5 - 2%; thu nhập bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng/người/năm; 99,5% hộ sử dụng điện lưới quốc gia và 98% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh… các ngành liên quan cần thực hiện tốt các giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất sản xuất đã cấp cho đồng bào DTTS.
Song song đó, xem xét, giải quyết đất cho đồng bào chưa có đất sản xuất hoặc còn thiếu đất sản xuất, gắn với đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, khuyến công thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp trên từng địa bàn. Duy trì và phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS, gắn với nghiên cứu thực hiện chính sách hưởng lợi từ rừng và thực hiện các đề án “Lâm nghiệp xã hội” với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đó tạo việc làm, thu nhập cho hộ đồng bào nhận khoán quản lý, bảo vệ và tham gia vào quá trình phân công sản xuất theo chuỗi giá trị.
THANH HUYỀN