(Mặt trận) -Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã được triển khai hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đầu tư cho vùng DTTS&MN, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… được xây dựng ngày càng nhiều.
|
Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, có 34 đồng bào dân tộc thiểu số |
Cùng với việc phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục xây dựng và phát triển. Thiết chế văn hóa cơ sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển. Hệ thống bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe vùng đồng bào DTTS&MN được mở rộng. Công tác giáo dục và đào tạo đối với đồng bào hàng năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Quốc phòng - an ninh vùng tiếp tục được củng cố và giữ vững.
|
Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông được bê tông hóa |
Để tiếp tục nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS&MN, UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm; 76,33% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế; Thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm; 100% xã có đường ô tô rải nhựa cứng đến trung tâm xã…
Việc thực hiện Chương trình nhằm phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là hơn 852 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025, với 10 Dự án thành phần.
|
Đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được nâng lên rõ rệt, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành |
Để thực hiện Chương trình, tỉnh Bình Thuận chủ trương tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đầu tư các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước tại vùng đồng bào DTTS. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt giữ vững và không ngừng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về các chỉ tiêu cụ thể, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% Trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia. 100% phòng học được kiên cố hóa, 50% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. 100% trụ sở xã được xây dựng kiên cố. 100% xã có nhà văn hóa, 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng được kiên cố hóa. 99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. 98% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh. 76,33% hộ dân tộc thiểu số có thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 20%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm. Thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm.
Thu Trang